Chủ Nhật, 31/07/2022, 17:33 (GMT+7)
.

Thí sinh tránh tình huống 'tiến thoái lưỡng nan'

Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022, bên cạnh phương án giải quyết rủi ro có thể xảy ra từ phía các trường, thí sinh cũng cần chủ động để không rơi vào tình thế khó khăn.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại điểm thi Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: TG

Phân tích rủi ro

Mùa tuyển sinh năm 2021, 165 thí sinh đạt 27 điểm và 3 thí sinh (tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) đạt 28 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào. Cụ thể, có 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường khối dân sự và 114 em xét tuyển vào trường công an, quân đội. Trong 114 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất. Còn 51 em đăng ký vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký một nguyện vọng.

Trước các trường hợp trên, Bộ GD&ĐT đã trao đổi trực tiếp với một số trường đại học để hướng dẫn tuyển bổ sung những thí sinh có điểm cao trượt nguyện vọng 1. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển vào các trường đại học, nhưng chủ yếu tập trung vào một số phương thức như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ, tuyển thẳng… Sự đa dạng này phần nào gây khó khăn cho thí sinh trong việc nắm bắt thông tin.

Ngoài ra, bổ sung nhiều phương thức tuyển sinh khiến việc phân bổ chỉ tiêu không hợp lý, có sự tăng giảm mạnh qua các năm khiến thí sinh không có sự chuẩn bị kịp thời. Nhiều trường thậm chí tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến thiếu công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Ví dụ, năm trước, điểm trúng tuyển theo kết quả học THPT cao bất thường, có thí sinh 30 điểm cũng không đỗ vào ngành học đã lựa chọn.

Bên cạnh đó, một số trường còn tăng giảm, thêm bớt tổ hợp thi nhưng lại chưa đưa ra được căn cứ cụ thể để giải trình cho sự lựa chọn đó để xã hội đồng lòng. Có trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, nhưng không có biện pháp bảo đảm công bằng giữa các thí sinh, tiến hành gọi nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất.

Trước thực trạng nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, năm nay, các trường cần giữ ổn định và phải phân tích rủi ro, phương án giải quyết hoặc phối hợp giải quyết trong quá trình tuyển sinh. Với một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, có yêu cầu phức tạp hơn vẫn cần hệ thống đăng ký và nhận hồ sơ riêng.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG

Chủ động phương án

Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), năm nay nhiều cơ sở giáo dục đại học áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển và được xét tuyển sớm, công bố trúng tuyển có điều kiện. Để tránh tỷ lệ ảo và rủi ro cho thí sinh cũng như nhà trường, các cơ sở giáo dục đại học chỉ được gọi thí sinh trúng tuyển đảm bảo với chỉ tiêu phân bổ đã công bố trong đề án tuyển sinh.

“Giả sử chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng học bạ của Trường ĐH A là 500 sinh viên chỉ được gọi 500 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển khác. Nếu tuyển vượt chỉ tiêu sẽ vi phạm quy chế. Kết thúc tuyển sinh đợt 1, nếu thiếu chỉ tiêu các trường được xét tuyển bổ sung” – TS Võ Thanh Hải trao đổi, đồng thời viện dẫn quy định của Quy chế tuyển sinh năm nay: Cơ sở đào tạo sử dụng nhiều hình thức xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển cho từng phương thức.

Ở phương diện khác, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho hay: Năm nay, trường sẽ tách mã cho từng chuyên ngành, thay vì chung một mã ngành. Cụ thể, chương trình Định hướng ứng dụng (POHE) trước đây chung một mã nay 7 mã ngành được tách ra thành 7 mã tuyển sinh. Ngành Kinh tế cũng tương tự, trước đây chung một mã có 3 chuyên ngành thì nay tách ra thành 3 mã tuyển sinh, để thí sinh trúng tuyển thẳng vào từng chuyên ngành. Việc này phù hợp với quy định của Quy chế tuyển sinh, tránh những rủi ro không đáng có.

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, một trong những yếu tố cốt lõi của vấn đề là các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh. Theo đó, đề án này phải cung cấp đầy đủ, đúng định dạng và bảo đảm tính xác thực của thông tin, dữ liệu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; trong đó thông tin cần dễ hiểu, rõ ràng để thí sinh không nhầm lẫn.

Đặc biệt, các cơ sở đào tạo phải đảm bảo chính xác, thống nhất thông tin tuyển sinh khai báo trong Hệ thống với đề án tuyển sinh như: Mã cơ sở đào tạo, mã chương trình/ngành/nhóm ngành, mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ... Thông tin này cũng phải được thống nhất trong các thông báo tuyển sinh. Nếu sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, tác động trực tiếp đến công tác tuyển sinh của hệ thống.

Tránh “trượt oan”

Nhấn mạnh thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh, trong đó có tiêu chí phụ khi xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa nhắc lại, mùa tuyển sinh năm trước, dù đã cảnh báo và tư vấn rất kỹ về tiêu chí phụ nhưng vẫn có nhiều thí sinh mắc lỗi và nếu nhà trường không xử lý kịp thời thì các em có thể bị trượt tất cả nguyện vọng. Cụ thể, trong quá trình xét tuyển, lọc ảo 67 thí sinh đủ điểm để trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng khi rà soát, hậu kiểm không đủ điều kiện về điểm trung bình học bạ THPT 6 học kỳ.

Về nguyên tắc, nhà trường có thể từ chối nhập học của thí sinh vì chưa đủ điều kiện. Khi đó, các em sẽ không còn cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng kế tiếp. Nhưng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT ngay trong thời gian xét tuyển đợt 1, để hệ thống không xác định những thí sinh này trúng tuyển vào trường này nữa, tạo cơ hội trúng tuyển vào một trong những nguyện vọng kế tiếp. “Đó là lý do vì sao tôi khuyên thí sinh nên đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển và tất nhiên không được bỏ qua các tiêu chí phụ”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền khuyến cáo.

Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải phân tích, mỗi trường sẽ đưa ra tiêu chí phụ khác nhau và chỉ kiểm tra khi thí sinh làm thủ tục nhập học. Nhiều em chủ quan nên đến khi làm thủ tục nhập học mới biết mình không nằm trong danh sách trúng tuyển.

“Cơ sở đào tạo cần công khai, minh bạch các tiêu chí phụ trong đề án tuyển sinh” – TS Võ Thanh Hải nêu quan điểm và thông tin: Điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển của Trường ĐH Duy Tân là trong trường hợp thí sinh có cùng điểm, Hội đồng tuyển sinh sử dụng một số môn làm điều kiện bổ sung để xếp hạng thí sinh xét trúng tuyển. Cụ thể, đối với ngành Ngôn ngữ Anh: Sử dụng điểm thi môn Tiếng Anh. Đối với ngành Kiến trúc: Sử dụng điểm thi môn Vẽ mỹ thuật. Đối với các ngành còn lại, sử dụng điểm thi môn Toán hoặc Văn.

Để không rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội – khuyến nghị, thí sinh phải đăng ký vào hệ thống chung của Bộ GD&ĐT tất cả nguyện vọng xét tuyển (kể cả nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển).

Ghi nhận sự chủ động của các trường trong công tác tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, nhà trường chịu trách nhiệm giải trình về nội dung của đề án tuyển sinh với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của nội dung trong đề án.

Nói cách khác, các trường phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời bảo đảm công bằng cho thí sinh giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Thứ trưởng cũng lưu ý, cơ sở đào tạo cần lường trước một số khó khăn trong công tác tuyển sinh để có giải pháp thích ứng, đảm bảo quyền lợi của thí sinh và nhà trường.

Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 quy định, cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, yếu tố phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện; không thông báo thí sinh trúng tuyển chính thức dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT.

(Theo giaoducthoidai.vn)
 


 

.
.
.