Cân nhắc khi chọn tổ hợp môn học lớp 10
Làm sao để chọn tổ hợp môn phù hợp với sở trường, năng lực bản thân, đúng định hướng nghề nghiệp trong suốt 3 năm học THPT… là những băn khoăn của rất nhiều phụ huynh, học sinh đã trúng tuyển lớp 10 trước ngưỡng cửa năm học 2022 - 2023. Nhằm định hướng, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh, trong cuối tuần qua, nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tổ chức các buổi tư vấn, giải đáp thắc mắc các vấn đề liên quan đến đăng ký môn học vào lớp 10.
CHỌN TỔ HỢP NÀO?
Để chuẩn bị tốt cho học sinh lớp 10 mới trúng tuyển nhập học năm học 2022 - 2023, ngày 30-7, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho đã tổ chức 4 buổi tư vấn cho trên 900 phụ huynh, học sinh ở cơ sở 1 và cơ sở 2 của trường về việc đăng ký chọn tổ hợp môn học.
Phụ huynh phát biểu ý kiến tại buổi tư vấn đăng ký tổ hợp môn học cho học sinh của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. |
Theo thầy Võ Hoài Nhân Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, khác với các năm học trước đây, học sinh sẽ học tất cả các môn học trong chương trình thì bắt đầu năm học 2022 - 2023, học sinh khối 10 sẽ học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 bậc THPT sẽ có 8 môn học, hoạt động bắt buộc, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Lịch sử.
Với tổ hợp môn tự chọn, nhà trường dự kiến mở 6 tổ hợp dự kiến gồm 3 tổ hợp khối Khoa học tự nhiên (KHTN) và 3 tổ hợp khối Khoa học xã hội (KHXH). Mỗi học sinh sẽ có 2 nguyện vọng chọn tổ hợp môn. Căn cứ vào nguyện vọng, điểm thi tuyển sinh lớp 10 nhà trường sẽ sắp lớp phù hợp, ưu tiên theo nguyện vọng của học sinh.
“Mỗi tổ hợp môn dự kiến đều gắn liền với khối thi đại học, chẳng hạn tổ hợp KHTN 1 gắn với khối A, KHTN 2 gắn với khối B… Sở dĩ học sinh của trường có đến 2 nguyện vọng khi chọn tổ hợp là do khi tổ hợp môn nào có số lượng học sinh đăng ký quá ít, theo quy định khoảng 45 học sinh mới mở được lớp thì khi đó nhà trường sẽ đưa nguyện vọng của học sinh vào nguyện vọng 2 đăng ký. Chính vì vậy, học sinh chọn nguyện vọng cần suy nghĩ, tính toán cho thật kỹ”, thầy Trung giải thích thêm.
Theo khảo sát sơ bộ từ học sinh các trường, nhiều học sinh cho biết sẽ lựa chọn các môn KHTN để đăng ký hơn là các môn KHXH bởi 2 lý do:
Thứ nhất, khối ngành KHTN rất rộng cửa cho học sinh sau này để thi vào các trường đại học và tìm kiếm việc làm.
Thứ hai, chọn tổ hợp KHTN để giảm mức độ rủi ro, nếu sau một năm học thấy không phù hợp vẫn có thể đăng ký chọn tổ hợp KHXH. Còn nếu chọn các môn KHXH trước thì sau này rất khó đổi sang các môn KHTN vì liên quan đến các kỹ năng tính toán, tư duy logic...
Có thể thấy, để lựa chọn tổ hợp môn học sao cho phù hợp, học sinh cũng như phụ huynh cần tính toán thật kỹ lưỡng, trong đó cần cân nhắc các yếu tố năng lực, sở trường bản thân, định hướng nghề nghiệp bản thân của các em sau 3 năm học tới.
KHÔNG ÍT BĂN KHOĂN
Vấn đề rất nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm là nếu sau một thời gian học tổ hợp đã lựa chọn, nếu thấy không phù hợp, học sinh có thể xin đổi môn học được hay không. Đại diện các trường đều cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh.
" Các trường cần lưu ý khi cho học sinh đăng ký các tổ hợp môn tự chọn, tất cả phải hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Với việc đăng ký tổ hợp môn, học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng, phụ huynh nên trao đổi để biết mong muốn của con, không nên áp đặt trong việc lựa chọn tổ hợp môn bởi đây là quyết định quan trọng sẽ ảnh hưởng đến tương lai, nghề nghiệp của các em sau này”. TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT |
Và theo Công văn 1496 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hướng dẫn “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD-ĐT”. Do đó, các trường sẽ tổ chức cho các em chuyển đổi môn ở học kỳ hè. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường THPT khuyên học sinh cần cân nhắc thật kỹ không nên chuyển đổi môn học trong suốt 3 năm học THPT nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em.
Một vấn đề khác, với 2 môn lựa chọn Âm nhạc và Mỹ thuật hiện tại hầu hết các trường THPT vẫn chưa thể triển khai vì không đủ nguồn giáo viên, thay vào đó các trường sẽ tư vấn cho học sinh lựa chọn môn Tin học hoặc Công nghệ.
Về lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang sẽ tính phương án phối hợp với các trường sư phạm để tào tạo nguồn nhân lực ở hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật nhằm kịp thời đáp ứng tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở các năm học sắp tới.
Bên cạnh việc đăng ký các tổ hợp môn lựa chọn, học sinh còn phải đăng lý lựa chọn các chuyên đề tự chọn khiến nhiều học sinh và phụ huynh băn khoăn. Thầy Võ Hoài Nhân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Các chuyên đề tự chọn này thật ra với mục đích nâng cao kiến thức cho học sinh ở các môn học. Mỗi học sinh lựa chọn 3 cụm chuyên đề thuộc 3 môn học với tổng thời lượng 105 tiết/năm học, mỗi môn học 1 tuần học 1 tiết. Phụ huynh và học sinh cũng nên an tâm, việc kiểm tra, thi cử sẽ không nằm trong các chuyên đề lựa chọn mang tính chất nâng cao”.
PHI CÔNG