.

Học sinh lớp 5 giành giải Nhất cuộc thi sáng tạo trẻ tỉnh Tiền Giang

Cập nhật: 09:49, 24/08/2022 (GMT+7)

Mô hình “Việt Nam quê hương tôi” của em Trần Đắc Thiên Phúc (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; hiện nay, em là học sinh lớp 6,  Trường EMASI TP. Hồ Chí Minh) đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021 - 2022.

Thiên Phúc cho biết, trong năm học lớp 4 em đã được học nhiều nội dung bổ ích về địa lý và lịch sử của nước nhà. Tuy nhiên, trong quá trình học tập, em cảm thấy đôi chỗ còn khô khan, đơn điệu và khó nhớ lâu kiến thức đã lĩnh hội. Với mong muốn mô hình khơi gợi sự ham học hỏi, sự tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập và đặc biệt là khai thác vốn hiểu biết giúp học sinh, nên Thiên Phúc có ý tưởng tích hợp một số nội dung về lịch sử, địa lý Việt Nam và một số đặc sản về ẩm thực trên khắp đất nước.

Thiên Phúc với sản phẩm đoạt giải Nhất của mình.
Thiên Phúc với sản phẩm đoạt giải Nhất của mình.

Theo đó, mô hình sử dụng một bản đồ hành chính Việt Nam tạo nên trang sách tích hợp nền, một bản đồ hành chính cắt rời từng tỉnh, thành riêng dán vào xốp cứng dày (để thực hành ráp chính xác vị trí địa lý trên bản đồ…). Sau đó, khi mô hình ráp chính xác vị trí thì tự động đèn của vị trí đó sẽ được kích hoạt từ tính, đèn led sẽ cháy trên địa phương đã tìm. Đồng thời, các hình ảnh liên quan được tích hợp và chú dẫn cụ thể ở các khay có tên bên dưới (tương đương 160 ảnh).

Những sản phẩm tổng hợp dựa trên sách giáo khoa lớp 5 và những hiểu biết xã hội về mỗi ảnh, học sinh sẽ lần lượt tìm chọn những ảnh liên quan đến từng địa phương (ở các khay, của mỗi môn học riêng biệt) để gắn lên giá đáp án cụ thể và khám phá kiến thức qua nội dung được trình bày rõ ràng sau ảnh.

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021 - 2022, sản phẩm kích thích sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh trong học tập. Đồng thời, mô hình rất gọn, dễ chế tạo, dễ sử dụng và thân thiện môi trường.

Mặt khác, nội dung mô hình rõ ràng, sát với nội dung chương trình học, sinh động, trực quan, tạo nguồn cảm hứng trong học tập, tìm hiểu, áp dụng công nghệ tích hợp vào thực tế đời sống xã hội và có thể phát triển thêm, nhất là giáo dục về lịch sử, địa lý địa phương. Ngoài ra, mô hình có khả năng ứng dụng cao, kể cả những trường ở vùng sâu vùng xa… Đặc biệt, mô hình rất thích hợp phục vụ cho nghiên cứu, trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, du lịch, văn hóa - thể thao, ngoại giao…

TUẤN LÂM

.
.
.