Thứ Sáu, 19/08/2022, 15:19 (GMT+7)
.

Ngành GD-ĐT tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới

Ngày 19-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ban hành Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023.

Lộ trình miễn giảm học phí được một số tỉnh, thành dự kiến trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: TTXVN
Lộ trình miễn giảm học phí được một số tỉnh, thành dự kiến trong năm học 2022 - 2023. Ảnh: TTXVN

Theo đó, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học mới là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao trong toàn ngành; Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành và tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Bố trí đủ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học để dạy từ lớp 3

Một trong những nhiệm vụ quan trọng năm học tới của ngành Giáo dục là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Trong đó, ngành tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.

Ngành dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ. Đặc biệt, ngành bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục từ mầm non - phổ thông, giáo dục thường xuyên

Đối với cấp mầm non cần tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới và triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới. Ngành phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng đa dạng nhu cầu đến trường của trẻ em; quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp. Bên cạnh đó là việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Toàn ngành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023.

Bộ cũng xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; củng cố, phát triển mạng lưới các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Ngành cần đa dạng hóa nội dung chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được học tập liên tục, suốt đời; nâng cao chất lượng các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Toàn ngành cần có hành động nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các bên liên quan tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023; triển khai sớm công tác chuẩn bị để bảo đảm các điều kiện thực hiện cho Kỳ thi ở các năm sau. Đặc biệt, xây dựng phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đẩy mạnh tự chủ đại học toàn diện

Ở bậc đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học, trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ về tổ chức, quản trị và tài chính. Đồng thời, Bộ tăng cường giải pháp phát triển khoa học, công nghệ; thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ; xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với các nhiệm vụ chiến lược của ngành, chú trọng đến chuyển đổi số, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đào tạo, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Toàn ngành triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030. Các đơn vị chức năng có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; cùng với đó, đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu quốc tế; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.

(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/nganh-gddt-tap-trung-thuc-hien-12-nhiem-vu-trong-tam-trong-nam-hoc-moi-20220819123006813.htm)

.
.
.