Bộ GD-ĐT: Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa nhưng phải lấy chất lượng là số một
Giáo viên và học sinh đều thích thú, đánh giá cao chất lượng sách giáo khoa của nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản vì sự hấp dẫn của hình ảnh, khâu trình bày trong từng cuốn sách.
Học sinh Hà Nội thích thú tham quan sách giáo khoa nước ngoài và Việt Nam. |
Kết luận hội thảo về công tác biên soạn sách giáo khoa (SGK) và sử dụng SGK giáo dục phổ thông ngày 29-9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, công tác biên soạn, thẩm định, phát hành, lựa chọn SGK rất quan trọng. Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” nhấn mạnh, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.
“Đây là bài toán vừa mới, vừa khó và chúng ta chưa có tiền lệ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK”, Thứ trưởng nhìn nhận.
Theo Thứ trưởng, qua phản ánh của giáo viên, SGK mới dễ hiểu và dễ vận dụng triển khai trong quá trình giảng dạy.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ. |
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của đổi mới giáo dục phổ thông. Theo đó, cần thống nhất nhận thức: SGK khi được biên soạn, thẩm định và phát hành đến học sinh phải bảo đảm chất lượng, chuẩn mực, giá cả hợp lý.
“Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.
Theo đó, khi đặt mục tiêu chất lượng là số 1, cần chú ý đến các khâu: làm bản mẫu, thẩm định và phát hành SGK. Các khâu cần được cải tiến và đổi mới. Cùng với đó, cần chú trọng đến công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK khi giảng dạy. Biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Liên quan đến giá SGK, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần lưu ý đến các khâu như yếu tố cấu thành giá sách và ban hành định mức kỹ thuật của sách.
Bộ GD-ĐT nêu rõ, đổi mới lần này theo mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc có nhiều bộ sách nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Do đó, cần tiếp tục kiện toàn văn bản, pháp lý về vấn đề SGK. Đặc biệt, là các chính sách, cơ chế tài chính cho hội đồng thẩm định ở địa phương.
Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Hoàng Lê Bách cho rằng, SGK là một loại hàng hóa đặc thù, thường có tác động tới tâm lý và dư luận xã hội, cần có những quyết sách để ổn định vấn đề SGK, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành SGK. Chủ trương xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK, có thêm một số nhà xuất bản tham gia vào việc xuất bản SGK. Tuy nhiên, thực tế khẳng định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn là đơn vị giữ vị thế hàng đầu trong lĩnh vực này; giá rẻ nhất.
Ghi nhận ý kiến của nhiều giáo viên, học sinh tham gia hội thảo và trưng bày SGK phổ thông ngày 29-9 cho thấy, giáo viên và học sinh đều thích thú, đánh giá cao chất lượng SGK của nhiều nước, đặc biệt là Nhật Bản vì sự hấp dẫn của hình ảnh, khâu trình bày trong từng cuốn sách.
(Theo sggp.org.vn)