NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH TIỀN GIANG:
Khắc phục khó khăn, nâng chất lượng giáo dục
(ABO) Chiều 8-9, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở GD-ĐT Tiền Giang về thực trạng GD-ĐT Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020; đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển GD-ĐT Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đoàn có Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Huỳnh Thị Phượng, trong giai đoạn 2011 - 2020, ngành GD-ĐT tiếp tục giữ vững ổn định và phát triển về quy mô, giữ vững, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo ở các ngành học, bậc học. Nổi bật là đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục, công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được củng cố.
Mạng lưới trường lớp được kiện toàn và phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân trong tỉnh, trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 92,2%. Tỉnh đã xóa hoàn toàn phòng học tạm vào cuối năm 2006, số trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng lên và năm 2021 ngân sách của tỉnh chi cho GD-ĐT chiếm tỷ trọng khoảng 32% trong tổng số ngân sách toàn tỉnh.
Toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cũng đã từng bước nâng chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo ở các cấp học thông qua việc bồi dưỡng nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo hướng đạt chuẩn và trên chuẩn.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Tuy nhiên, tình hình GD-ĐT tại địa phương còn những tồn tại hạn chế nhất định: Việc thu hút các nhà đầu tư để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập còn hạn chế; công tác quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý giáo dục; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trước đây chủ yếu là xây phòng học để giải quyết nhu cầu về thiếu phòng học, xóa phòng học tạm, sửa chữa phòng học xuống cấp và phòng học kiên cố quá hạn sử dụng theo chương trình kiên cố hóa trường lớp...
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển GD-ĐT Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hiệu quả đào tạo ở các ngành học, cấp học thông qua việc bồi dưỡng nâng chất đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đẩy mạnh việc tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa các điều kiện dạy và học. Đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Mở rộng quy mô phát triển giáo dục mầm non, nâng cao kết quả thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở; đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nâng cao hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề…
VIỆT PHƯƠNG
.