Thứ Hai, 12/09/2022, 09:29 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tháo gỡ những vấn đề của đầu năm học mới

Hiện một số trường học đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm học mới và các khoản thu đầu năm học luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh các khoản thu đầu năm học mới, các trường học chủ yếu bậc mầm non và tiểu học (khu vực TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đang từng bước đi vào bán trú, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.

Các trường tiểu học đang từng bước đưa hoạt động bán trú vào nền nếp, tạo sự đồng thuận của phụ huynh. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho).
Các trường tiểu học đang từng bước đưa hoạt động bán trú vào nền nếp, tạo sự đồng thuận của phụ huynh. (Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho).

Về phía trách nhiệm của mình, trong năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang đã có những chỉ đạo sát sao trong công tác thu, chi ở các trường học, kiên quyết chống tình trạng lạm thu.

NĂM HỌC MỚI, THU GÌ?

Nhiều phụ huynh cho rằng, hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 làm cho đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chị N.K.P. (phường 2, TP. Mỹ Tho) có hai đứa con gái đang học lớp 2 và lớp 5, chia sẻ: “Năm học nào cũng nghe chống lạm thu, nhưng năm nào cũng vậy, sau cuộc họp phụ huynh nghe trường kêu gọi đóng góp, thì phụ huynh dù không muốn quyên góp cũng không được, vì sợ ảnh hưởng đến con mình.

Phụ huynh chỉ biết đóng học phí và một số khoản thu khác theo đúng quy định, chứ cũng không biết theo quy định sẽ còn thu thêm những khoản nào. Do đó, tôi cũng như các phụ huynh khác đều mong muốn, trước ngày họp phụ huynh, các trường học cần minh bạch các khoản thu vào tờ giấy, có xác nhận của lãnh đạo nhà trường, rồi gửi học sinh đem về cho cha mẹ và chỉ thu đúng, thu đủ theo quy định chứ không nên phát sinh thêm các khoản thu”.

Trước tình trạng lạm thu xảy ra ở nhiều đơn vị trường học, trong đầu năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu nhằm tránh gây nhũng nhiễu, phiền hà phụ huynh. Tại tỉnh Tiền Giang, Sở GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục về những khoản thu theo đúng quy định, chỉ đạo sâu sát và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng lạm thu.

Trong đầu năm học mới, Sở GD-ĐT đều tổ chức các cuộc họp với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh để có những chỉ đạo, thông báo về các khoản thu theo đúng quy định. Ngành GD-ĐT tỉnh nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa các khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định.

Bên cạnh các chỉ đạo về văn bản, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tăng cường, kiểm tra, hướng dẫn về các khoản thu đầu năm học; đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các trường, cơ sở giáo dục mà phụ huynh phản ánh xảy ra tình trạng lạm thu...

Liên quan đến các khoản thu trong trường học, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính tỉnh đã có văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục và định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, có các khoản thu chính bao gồm: Học phí (sẽ có hướng dẫn sau); thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; các khoản thu tiền của lớp bán trú như tiền ăn của học sinh, tiền phụ phí (xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước…), tiền công bảo mẫu, cấp dưỡng; các khoản mua sắm đồ dùng học tập, phục vụ bậc học mầm non; quần áo đồng phục, quần áo thể dục.

Các khoản thu này được các trường chỉ đạo tiến hành thực hiện khi đã ổn định biên chế lớp học, thông báo rộng rãi, công khai và được sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, minh bạch với phụ huynh học sinh. Việc thu, chi phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, đúng mục đích và tiết kiệm.

TỪNG BƯỚC ĐI VÀO BÁN TRÚ

Những ngày qua, dư luận trên địa bàn TP. Mỹ Tho quan tâm đến vấn đề là không biết khi nào các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức bán trú. Nhiều phụ huynh cho rằng, đa phần phụ huynh đều là công nhân viên nhà nước, mỗi ngày đưa rước con đi học 4 lượt, trong đó có 2 lượt trùng với giờ làm việc hành chính, chưa kể những ngày đi công tác xa, làm cho phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc đưa rước con đến trường.

Các trường mầm non đang từng bước đưa các hoạt động bán trú vào nền nếp, tạo sự đồng thuận  của phụ huynh. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Vườn Trẻ, TP. Mỹ Tho).
Các trường mầm non đang từng bước đưa các hoạt động bán trú vào nền nếp, tạo sự đồng thuận của phụ huynh. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Vườn Trẻ, TP. Mỹ Tho).

Theo Sở GD-ĐT, năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường áp dụng Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh Tiền Giang về các quy định khoản thu và mức thu, cơ chế thu, chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.

Theo đó, đối với học sinh tiểu học, mức thu học bán trú là 184.000 - 216.000 đồng/học sinh/tháng tùy vùng. Mức thu của Nghị quyết 01 là dựa trên Nghị định 81 của Chính phủ về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và giá dịch vụ trong GD-ĐT. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của các trường tiểu học có tổ chức bán trú ở TP. Mỹ Tho là mức thu này khá thấp, khó tổ chức bán trú.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện tổ chức học bán trú. Theo đó, ngoài các khoản thu được quy định tại Nghị quyết 01, các trường vận động xã hội hóa giáo dục theo quy định của pháp luật để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh. Việc thu chi phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, thu vừa đủ chi, mang tính chất phục vụ, không mang tính kinh doanh, công khai dân chủ.

Thông tin từ các trường tiểu học cũng cho biết, vào ngày 10-9, lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho và ngành Giáo dục thành phố đã có cuộc họp với lãnh đạo các trường tiểu học trên địa bàn thành phố để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, sớm đưa hoạt động bán trú đi vào nền nếp, ổn định, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Theo đó, dự kiến các trường tiểu học sẽ tổ chức bán trú sớm nhất ngày 12-9 và chậm nhất ngày 19-9.

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết, nhà trường dự kiến đi vào hoạt động bán trú từ tuần thứ 3 của tháng 9 với khoảng 88 học sinh, tỷ lệ khoảng 30% và các công đoạn chuẩn bị đạt khoảng 50%. Trong tuần này, trường sẽ vệ sinh, kiểm tra các điều kiện tại khu vực bán trú như tủ lạnh, khu vực bếp, dụng cụ bếp… để kịp thời bổ sung các điều kiện cho hoạt động bán trú; đồng thời, tiến hành tìm kiếm nhân sự, thực hiện khám sức khỏe, hợp đồng lao động…

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng, các trường mầm non đã dần đi vào hoạt động bán trú nền nếp, ổn định. Với các trường tiểu học trên địa bàn TP. Mỹ Tho sẽ từng bước đi vào bán trú trong thời gian sớm nhất. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng như các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn còn diễn biến phức tạp trong môi trường học đường, ngành GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo các trường học, đặc biệt là các trường có tổ chức bán trú, có bếp ăn tập thể và căn tin thực hiện nghiêm túc những quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhân viên, người làm việc tại các cơ sở bán trú”, đồng chí Huỳnh Thị Phượng nhấn mạnh.

V. PHƯƠNG

 

.
.
.