Tuyển sinh đại học năm 2022: Nhóm ngành công nghệ thông tin "lên ngôi"
Đến nay, các trường đại học (ĐH) trên cả nước đã hoàn thành công bố điểm chuẩn. Trong đó, nhóm ngành Công nghệ thông tin (CNTT), Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu có điểm chuẩn rất cao, thu hút nhiều thí sinh đăng ký.
Điểm chuẩn đảo chiều
Theo TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành CNTT, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu… của các trường thành viên là hơn 37.349, trong khi tổng chỉ tiêu năm 2022 dành cho khối ngành này chỉ 4.000 (tỷ lệ chọi gần 1/10). Do đó, điểm chuẩn của nhóm ngành CNTT dẫn đầu so với những ngành còn lại.
Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghệ Thông tin, ngành Kỹ thuật phần mềm 28,5 điểm, Trí tuệ nhân tạo 28 điểm và những ngành còn lại đều có điểm chuẩn từ 26,2 điểm trở lên. Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nhóm ngành này có điểm chuẩn cao nhất trường, dao động từ 26,7-28,2 điểm. Trường ĐH Bách khoa xét tuyển kết hợp nhưng điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính cũng dẫn đầu với điểm chuẩn lần lượt là 75,99 và 68,66 điểm…
Trong khi đó, điểm chuẩn nhóm ngành này của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cao ngất ngưởng. Tại Trường ĐH Công nghệ, điểm chuẩn cao nhất là ngành CNTT với 29,15 điểm, kế đến là CNTT định hướng thị trường Nhật Bản là 27,5 điểm, Kỹ thuật máy tính 27,5 điểm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên, điểm chuẩn các ngành Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính và thông tin, Toán - tin, điểm chuẩn cũng dẫn đầu, dao động từ 26,5-26,45.
Một trường có thế mạnh về đào tạo lĩnh vực CNTT là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành CNTT - Kỹ thuật máy tính có điểm chuẩn 28,29, cao nhất đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngành CNTT (Việt - Nhật) cũng có điểm chuẩn 27,25 điểm.
Ở những trường đa ngành khác có đào tạo nhóm ngành CNTT, Máy tính điểm chuẩn cũng rất cao so với những ngành còn lại. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) các ngành CNTT, Khoa học dữ liệu, Khoa học máy tính, điểm chuẩn từ 25-27,5 điểm. Trường ĐH Mở TPHCM nhóm ngành này cũng có điểm chuẩn cao nhất, từ 24,30-25,40 điểm. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn các ngành CNTT, Kỹ thuật phần mềm, Khoa học máy tính, Máy tính và truyền thông dữ liệu điểm chuẩn cũng dẫn đầu với mức điểm từ 24,65-26,15 điểm.
Cần cả lượng lẫn chất
Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), trong vài năm gần đây, nhóm ngành CNTT, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo có sự đổi ngôi trong tuyển sinh. Từ chỗ điểm chuẩn ở tốp giữa, nhóm ngành này đã nhảy lên vị trí hàng đầu khi điểm chuẩn luôn ở tốp đầu.
Theo thống kê của trang vietnamworks, trong năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam hiện là 430.000, có nghĩa 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Nếu nhìn xa hơn, trong tương lai, sự trỗi dậy của thời đại “tập trung vào dữ liệu và các xu hướng công nghệ cao” khi các doanh nghiệp đều hướng đến việc tận dụng khai thác các lợi thế của dữ liệu lớn, kéo theo nhu cầu nhân lực rất lớn.
Sinh viên ngành CNTT Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành |
Th.S Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), lưu ý, thực tế nhu cầu xã hội đối với các nhóm ngành CNTT vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, xã hội đòi hỏi nhân sự chất lượng cao nên các sinh viên phải nghiêm túc khi lựa chọn học những ngành này.
Còn theo PGS-TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhu cầu về nhân lực CNTT, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo… hiện rất lớn, luôn cần những người giỏi thật sự. Để tránh tình trạng thừa nhưng vẫn thiếu như nhiều ngành hiện nay, thì các trường cần chú trọng đầu tư điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, như cơ sở vật chất, siêu máy tính, phòng thí nghiệm thực hành, mô phỏng và cả nhân lực đào tạo là các chuyên gia CNTT, toán…
(Theo sggp.org.vn)