Cần giải pháp phù hợp trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Cùng với việc truyền thụ kiến thức, chủ động các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang đã chú trọng nâng cao kỹ năng sống (KNS) cho học sinh, góp phần vào mục tiêu nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
Giáo dục KNS là vấn đề rất quan trọng trong công tác GD-ĐT, song làm thế nào để giảng dạy, áp dụng một cách hiệu quả thì rất cần phương pháp cụ thể, phù hợp độ tuổi, khả năng nhận thức, tâm sinh lý của học sinh.
SỰ CẦN THIẾT
Theo các chuyên gia về tâm lý, KNS là một trong những mục tiêu rất quan trọng trong việc nâng chất lượng giáo dục toàn diện và không phải đơn giản mà ngành Giáo dục lồng ghép nội dung KNS vào giảng dạy ở các bậc học. Có thể thấy, trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cộng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã có những tác động không nhỏ đến nhận thức và hành động của học sinh.
Về phía nhà trường còn chú trọng dạy kiến thức mà chưa quan tâm đến giảng dạy kỹ năng, một bộ phận ít thầy cô giáo còn vi phạm đạo đức nhà giáo chưa thật sự làm gương. Còn về gia đình thì rất lỏng lẻo, chưa quan tâm sâu sắc đến con em của mình. Về phía học sinh, nhiều em còn rất yếu về KNS, một số ít học sinh xuống cấp về đạo đức, sống buông thả…
Giáo dục KNS cho học sinh được lồng ghép trong giờ học và hoạt động ngoài trời tại Trường Tiểu học Bình Phú, huyện Cai Lậy. |
Đứng trước những yêu cầu bức thiết của xã hội, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều phong trào vào trường học, như: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; giáo dục sức khỏe, giới tính; giáo dục an toàn giao thông… Đặc biệt, từ năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT đã đưa KNS vào giảng dạy trong trường học. Sau nhiều tính toán về tổ chức phương án thực hiện, ngành Giáo dục đã quyết định lồng ghép KNS vào chương trình học, các môn học và những hoạt động trong nhà trường.
“Đây là nhu cầu rất cần thiết trong bối cảnh giáo dục hiện đại như ngày nay. Tôi cho rằng, một bộ phận học sinh hiện nay như những “chú gà công nghiệp”, chỉ biết học, thờ ơ với cuộc sống, vẫn còn nhiều em học hết lớp 8, lớp 9 mà chưa biết nấu cơm hay lấy chổi quét nhà. Chúng ta không trách các em, nhưng phải nhìn nhận lại phương pháp, cách thức giáo dục của chúng ta để có điều chỉnh cho phù hợp. Việc đưa KNS vào trường học là vấn đề rất cấp thiết”, cô N.H.M., một cán bộ quản lý nhiều năm kinh nghiệm bậc THCS ở huyện Châu Thành chia sẻ.
KỊP THỜI CHẤN CHỈNH Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, Sở đã có Công văn 1540 về việc tạm dừng thí điểm chương trình giáo dục KNS bậc tiểu học và THCS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Lý do tạm dừng là do qua kiểm tra, Sở GD-ĐT phát hiện các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê; đồng thời, vi phạm quy định về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu - chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD-ĐT đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Việc dạy KNS trong trường sẽ tiếp tục theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là lồng ghép vào các môn học và thông qua các hoạt động giáo dục trong nhà trường. |
Theo ngành GD-ĐT, với mỗi cấp học khác nhau, giáo dục KNS sẽ truyền tải những nội dung khác nhau, nhưng tựu trung lại nhằm xây dựng cho học sinh 12 giá trị của cuộc sống là “Tôn trọng, hòa bình, hợp tác, hạnh phúc, chân thật, nhân đạo, tình thương, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, tự do và đoàn kết”.
Đối với trẻ mầm non chủ yếu giúp trẻ nhận thức về bản thân, hình thành và phát triển ban đầu một số kỹ năng cần thiết với gia đình, cộng đồng, môi trường. Với học sinh bậc tiểu học, KNS giúp học sinh hình thành kỹ năng giao tiếp; kỹ năng sống đẹp, sống có ích, kỹ năng đúng giờ, đồng cảm với người khác... Còn đối với học sinh THCS và THPT, việc giáo dục KNS sẽ cụ thể vào các tình huống, hướng tới các hoạt động cộng đồng, hướng dẫn học sinh kỹ năng ứng phó với khó khăn, định hướng nghề nghiệp…
ĐỂ GIÁO DỤC KNS HIỆU QUẢ
Hiện tại, ngành Giáo dục đang triển khai việc dạy KNS cho HS chủ yếu bằng 2 cách là lồng ghép KNS trong các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Việc dạy KNS trong trường học tùy thuộc vào điều kiện của mỗi trường, mà giáo viên sẽ chủ động sáng tạo, tìm tòi, lồng ghép những hình ảnh, mẩu chuyện hay gắn với nội dung bài học để giáo dục cho học sinh.
Theo thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho), việc giáo dục KNS cho học sinh được nhà trường thực hiện trong rất nhiều năm học qua. Thứ nhất, việc giáo dục KNS sẽ được các tổ bộ môn giảng dạy dưới dạng tích hợp, lồng ghép ở một số môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất… nhằm giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tự hào truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Thứ hai, việc giáo dục KNS sẽ được thực hiện cùng với các tiết sinh hoạt cờ, giáo dục ngoài giờ lên lớp như tổ chức diễn đàn xây dựng tình bạn tốt đẹp, nói không với bạo lực học đường, giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên… Bên cạnh đó, nhà trường có rất nhiều câu lạc bộ cho học sinh như câu lạc bộ nhiếp ảnh, âm nhạc, nói Tiếng Anh… để học sinh có thể rèn luyện, phát triển tốt bản thân.
Hiện nay, có rất nhiều phụ huynh lo lắng việc đưa KNS vào giảng dạy lồng ghép trong nhà trường sẽ gây áp lực, quá tải cho học sinh.
Tuy nhiên, theo ngành Giáo dục, giáo dục KNS là vấn đề cần thiết, đây là chủ trương của Bộ GD-ĐT. Việc đưa giảng dạy KNS hoàn toàn không làm quá tải chương trình, bởi ngay nội hàm của từ kỹ năng tức là dạy phương pháp chứ hoàn toàn không dạy kiến thức, dạy KNS là dạy phương pháp tích cực, dạy lồng ghép chứ không là môn học riêng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng sẽ tạo áp lực cho học sinh.
Việc dạy lồng ghép là hoàn toàn phù hợp, bởi học sinh muốn có KNS thì trước hết phải có kiến thức, được luyện tập, thao luyện và có khả năng ứng phó với mọi tình huống.
Thực tế cho thấy, việc triển khai dạy KNS qua nhiều năm học đã mang lại hiệu quả, nhưng cũng gặp không ít khó khăn nhất định. Việc giảng dạy lồng ghép KNS là vấn đề khó và không phải giáo viên nào cũng làm được, đòi hỏi phải đào sâu, nghiên cứu và hơn hết là phải có phương pháp truyền dạy. Bên cạnh đó, việc giảng dạy KNS thời gian qua gặp khó khăn cũng do thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên, chưa đổi mới, còn đi theo lối mòn...
Theo Thạc sĩ Nguyễn Giang Lam, Phó Trưởng khoa Sư phạm Trường Đại học Tiền Giang, việc giáo dục KNS rất cần sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Phụ huynh cần quan tâm, hướng dẫn và trang bị cho con em những kiến thức KNS đơn giản, phù hợp với lứa tuổi như cách chào hỏi, giao tiếp ứng xử với bạn bè, cách giải quyết mâu thuẫn bạn bè, cách bảo vệ an toàn cho chính mình khi ở nhà, ở trường hoặc ở nơi cộng đồng...; đồng thời, tạo điều kiện cho con được tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường.
Đ.PHI