.
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 Ở TIỀN GIANG:

Vẫn còn khó khăn, bất cập ở bậc trung học

Cập nhật: 10:29, 15/10/2022 (GMT+7)

Cùng với các địa phương cả nước, năm học 2022 - 2023, tỉnh Tiền Giang bước sang năm học thứ 3 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt là Chương trình), trong đó có khối lớp 7 và lớp 10. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dạy và học theo Chương trình ở bậc trung học bước đầu có những khó khăn, bất cập, cần có giải pháp tháo gỡ.

KHÓ TỪ BẬC THCS

Ở bậc THCS đây là năm thứ 2 ngành Giáo dục triển khai Chương trình. Một trong những thay đổi lớn ở bậc học này là dạy và học tích hợp ở một số môn học. Cụ thể, có 2 bộ môn được tích hợp là Lịch sử - Địa lý gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm 3 phân môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học. Qua hơn 2 năm triển khai ở khối lớp 6, 7, nhiều giáo viên cho rằng khá áp lực khi chuyển từ dạy đơn môn sang dạy tích hợp liên môn.

Giờ học của học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.
Giờ học của học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.

Cô T.H.N., một giáo viên bậc THCS ở TP. Mỹ Tho cho biết, bản thân cô được đào tạo chuyên ngành Sư phạm Sinh học và Ban Giám hiệu phân công dạy khối lớp 6 và 9. Với khối lớp 9, cô được dạy đúng chuyên môn; còn với khối lớp 6, cô phải dạy thêm kiến thức hai môn là Vật lý và Hóa học, nên cô cảm thấy khó vì kiến thức không sâu để truyền thụ cho học sinh.

Còn với cô T.T.P., một giáo viên THCS ở huyện Gò Công Đông cho rằng, chủ trương dạy tích hợp liên môn là rất cần thiết nhưng cần phải có lộ trình đào tạo cho phù hợp. Với các môn học tích hợp ở khối 6 và khối 7, các kiến thức chủ yếu dừng lại ở mức độ căn bản; còn với khối 8 và 9 chương trình sẽ nặng hơn rất nhiều. Nếu giáo viên không được đào tạo bài bản thì khó đảm đương khi dạy tích hợp, bởi dạy lệch chuẩn kiến thức sẽ ảnh hưởng rất nhiều cho học sinh ở các bậc học tiếp theo.

Một khó khăn khác ghi nhận từ các trường THCS dạy những môn học tích hợp là Ban Giám hiệu phải điều chỉnh thời khóa biểu thay đổi liên tục, để đảm bảo các tiết học. Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Cái Bè cho biết, khi triển khai Chương trình thì đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị phải mới, tuy nhiên một số trường hiện nay cơ sở vật chất rất cũ kỹ, đặc biệt là thực trạng thiếu phòng bộ môn. Ở những trường đủ nhân sự thì khá thuận lợi, còn ở những trường thiếu giáo viên phải rất vất vả trong việc tìm kiếm nguồn giáo viên thỉnh giảng.

ĐẾN BẬC THPT

So với bậc THCS, việc triển khai Chương trình trong năm học 2022 - 2023 ở khối lớp 10 có phần thuận lợi hơn. Chương trình góp phần phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, khi bước vào triển khai thực hiện Chương trình, nhiều trường cũng gặp những khó khăn nhất định.

Theo lãnh đạo các trường THPT, khó khăn chung hiện nay của các trường là triển khai đăng ký chọn tổ hợp môn học cho học sinh khối 10 khi chưa biết hình thức thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm tới sẽ như thế nào. Mặt khác, việc định hướng nghề nghiệp tương lai ở độ tuổi học sinh lớp 10 còn rất mong lung, chưa xác định cụ thể và rất dễ thay đổi.

Thầy Phan Thanh Tuấn, giáo viên Toán bậc THPT ở huyện Châu Thành cho biết, ở môn Toán mỗi tuần có 3 tiết chính và 1 tiết chuyên đề. “Nếu như trước đây chương trình cũ có 1 tiết tự chọn, giáo viên có thể linh hoạt sử dụng tiết này để ôn tập, lấy lại kiến thức căn bản hoặc làm bài tập nâng cao với các lớp giỏi. Tuy nhiên hiện nay, giáo viên phải chạy theo chương trình là phần chính, mặt khác bản chất của tiết chuyên đề chủ yếu là phần dạy nâng cao môn học nên rất khó củng cố kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh yếu kém. Bên cạnh đó, số tiết chuyên đề cũng khá ít, mỗi tuần chỉ có 1 tiết sẽ rất khó để truyền đạt kiến thức”, thầy Tuấn phân tích.

Theo Hiệu trưởng của các trường THPT, so với Chương trình cũ, việc bố trí giáo viên dạy Chương trình mới vẫn còn một số bất cập, không cố định số tiết dạy như những năm trước, bởi ngoài 5 môn học bắt buộc, học sinh còn được chọn các môn tự chọn. Chính từ đó, dẫn đến thực trạng không ít giáo viên thiếu tiết, dư tiết, khiến các trường phải đau đầu tìm cách cho giáo viên trả giờ dạy chuẩn.

Chương trình mới đã bước sang năm thứ 3. Trong quá trình triển khai thực hiện bộc lộ không ít khó khăn nhất định, do đó đòi hỏi các trường cần linh hoạt tìm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để nâng cao việc dạy và học.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Có thể nói, việc tồn tại những hạn chế, khó khăn là điều không tránh khỏi khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt là Chương trình). Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn của từng địa phương, từng trường học cụ thể và qua thực tế dạy và học sẽ từng bước có những giải pháp tháo gỡ. Báo Ấp Bắc đã có lược ghi về những giải pháp khi triển khai Chương trình ở bậc trung học.

* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO:

Rà soát cơ sở vật chất, sớm tuyển dụng đủ nguồn giáo viên

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận trong việc đổi mới chương trình, cách dạy và học theo hướng phát huy năng lực, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi thì cũng có không ít khó khăn nhất định như thiếu giáo viên, cơ sở vật chất ở một số trường còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình.

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ chủ động rà soát, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng tốt cho việc dạy và học theo Chương trình, trong đó chú ý đến việc xây mới, sửa chữa các phòng học có nguy cơ xuống cấp. Về nguồn giáo viên, ngành sẽ sớm có thông báo và tuyển dụng giáo viên đang còn thiếu ở các bậc học; lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà và chủ động phối hợp với một số trường đại học tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn để đảm bảo điều kiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện hiệu quả Chương trình.

* THẦY VÕ HOÀI NHÂN TRUNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (TP. MỸ THO):

Phát huy vai trò của các tổ chuyên môn

Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu sau hơn 1 tháng triển khai Chương trình ở lớp 10 đã cơ bản thuận lợi, đi vào nền nếp ổn định. Đầu năm học, trường có khoảng 10 học sinh thay đổi việc lựa chọn tổ hợp. Các trường hợp thay đổi chủ yếu ở các môn học thuộc Tổ hợp Khoa học tự nhiên và đã được hướng dẫn, sắp xếp ổn thỏa, phù hợp với khối thi đại học, không gây ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Sau 1 tháng triển khai Chương trình ở khối lớp 10, một số thay đổi trong cách dạy, cách học đã tác động phần nào đến phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức của giáo viên. Trong mỗi tháng, các tổ chuyên môn của trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục rất cụ thể, trong đó chú trọng đến công tác giảng dạy khối 10. Hằng tháng, các tổ họp phân tích những thuận lợi, khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ ở tổ bộ môn của mình; đồng thời, tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, đổi mới phương pháp dạy và học…

* CÔ BÙI HUỲNH THƠ, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS THÁI VĂN NAM (HUYỆN GÒ CÔNG ĐÔNG):

Giáo viên cần chia sẻ kinh nghiệm với nhau

Đây là năm thứ hai Trường THCS Thái Văn Nam triển khai thực hiện Chương trình ở khối 6 và 7. Để chủ động cho việc triển khai Chương trình, nhà trường đã sắp xếp lại các tổ chuyên môn theo hướng tích hợp các môn học từ định hướng của Chương trình đề ra. Có thể thấy, từ trước đến nay, hầu hết các giáo viên đa phần được đào tạo đơn môn, nay triển khai Chương trình mới phải dạy tích hợp liên môn nên gặp một số khó khăn nhất định.

Chính vì vậy, giải pháp của nhà trường là trong từng tổ chuyên môn có dạy tích hợp như Khoa học tự nhiên, thì các thành viên trong tổ thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy ở các bộ môn với nhau để kịp thời giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình bậc THCS. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chủ động cho giáo viên đi tập huấn để kịp thời nắm bắt, bổ sung kiến thức, đáp ứng tốt cho quá trình giảng dạy.

ĐỖ PHI

.
.
.