Thứ Sáu, 28/10/2022, 10:09 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyển chọn và bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi (HSG) trong các trường học. Bồi dưỡng HSG là công tác khó, bởi bên cạnh năng lực chuyên môn, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp bồi dưỡng phù hợp nhằm giúp HSG đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

PHÁT HIỆN HSG TỪ ĐÂU?

Theo ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang, trong mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ tổ chức 2 kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh bậc THCS và THPT; kỳ thi chọn đội tuyển HSG dự thi cấp quốc gia bậc THPT; đồng thời, còn chọn HSG tham dự một số cuộc thi, như: Olympic Tiếng Anh, giải toán trên máy tính cầm tay… Có thể thấy, phát hiện HSG là khâu rất quan trọng trong công tác bồi dưỡng HSG, nhưng việc tìm kiếm nguồn HSG lại không hề đơn giản.

 Học sinh dự thi HSG cấp tỉnh bậc THPT năm 2021.
Học sinh dự thi HSG cấp tỉnh bậc THPT năm 2021.

Do đó, trong mỗi năm học, ngành Giáo dục tỉnh thường xuyên chỉ đạo Phòng GD-ĐT các địa phương, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng HSG; trong đó, phân loại, phát hiện và chọn HSG ngay từ những lớp đầu cấp THCS, THPT. Và một trong những phương pháp được các trường áp dụng hiện nay là tổ chức các cuộc thi cấp trường để tuyển chọn nguồn cho các đội tuyển HSG, như: Thi HSG văn hóa các môn học, thi giải toán qua mạng Internet, giải toán trên máy tính cầm tay, thi Olympic Tiếng Anh trên Internet…

Hiện nay, Trường THPT Chuyên Tiền Giang là một trong những đơn vị nòng cốt trong công tác đào tạo, bồi dưỡng HSG cho tỉnh nhà. Ngay sau học kì I năm lớp 10, nhà trường đã định hướng, phân loại, tổ chức tuyển chọn đội ngũ HSG ở các môn học thông qua kỳ thi cấp trường. Những học sinh được chọn vào đội tuyển HSG ở các môn học, bên cạnh công tác ôn luyện, thì liên tục được khảo sát, đánh giá chất lượng và tiếp tục sàng lọc ở những năm học tiếp theo.

Theo lãnh đạo nhà trường, tùy đặc trưng từng môn học mà có những yêu cầu khác nhau trong việc chọn HSG, tuy nhiên việc tuyển chọn sẽ tập trung vào một số yếu tố như học sinh phải có sự yêu thích môn học mà mình theo đuổi; chữ nghĩa rõ ràng, sạch đẹp; có tư duy tốt, chuyên cần trong học tập và đặc biệt là phải có ý thức tự giác, cần cù, ham học hỏi.

Còn tại Trường THPT Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo, thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong những năm qua, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng HSG các môn văn hóa của trường được ngành Giáo dục đánh giá cao. “Thi cử là để đánh giá năng lực của học sinh. Tuy nhiên, trong công tác tìm nguồn bồi dưỡng HSG, giáo viên cũng không cứng nhắc với kết quả kiểm tra đánh giá, mà còn căn cứ vào năng lực sáng tạo của học sinh.

Trong quá trình giảng dạy, qua kiểm tra, đánh giá, hoặc những bài thảo luận trên lớp, giáo viên sẽ đánh giá được những học sinh nào có năng lực sáng tạo nổi trội để theo sát, kèm cặp các em. Do trong lớp, học sinh phải học nhiều môn, nên giáo viên phụ trách đội tuyển HSG phải hướng dẫn, động viên, khuyến khích, bố trí thời gian khoa học và đầu tư công sức giảng dạy cho học sinh ở bộ môn của mình sao đạt hiệu quả nhất”, thầy Viễn lý giải thêm.

Theo nhiều cán bộ quản lý bậc THCS và THPT, việc tìm nguồn cho đội tuyển HSG ở các trường học là vấn đề khó trong nhiều năm học qua. Để tìm ra những học sinh chất lượng, có sự nổi trội, vượt bậc trong một số môn học là chuyện không hề đơn giản, bởi chất lượng của từng trường, từng lớp và ngay cả năng lực học tập của từng học sinh cũng hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, đòi hỏi giáo viên bộ môn phải “đãi cát tìm vàng” mới có thể chọn ra được đội tuyển HSG để tiến hành bồi dưỡng.

ĐỂ BỒI DƯỠNG HSG HIỆU QUẢ

Bên cạnh tìm kiếm nguồn cho các đội tuyển HSG, thì chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề được nhiều trường quan tâm. Chính vì vậy, khi phân công bồi dưỡng HSG, nhà trường phải chọn ra đội ngũ giáo viên ưu tú để tham gia giảng dạy, bởi kiến thức bồi dưỡng HSG là những kiến thức khó, mang tính chuyên sâu, bao quát rộng khắp chương trình.

" Nhiều năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang luôn duy trì kỳ thi HSG các môn văn hóa cấp tỉnh. Kỳ thi nhằm tạo động lực cho các trường phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, tố chất, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vừa qua, ngành Giáo dục tỉnh cũng đã tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng HSG cấp THPT. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần tập trung một số công việc chính, như: Tuyển chọn và thành lập các tổ bộ môn, mỗi tổ khoảng 20 giáo viên thực hiện công tác bồi dưỡng HSG; xây dựng quy chế bồi dưỡng, khen thưởng cho học sinh tham gia thi HSG. Riêng đối với giáo viên Trường THPT Chuyên Tiền Giang phải phát huy năng lực, tăng cường học hỏi, tự bồi dưỡng và phải thể hiện được vai trò “đầu tàu” trong công tác bồi dưỡng HSG”.

TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT

Theo cô Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tiền Giang, bồi dưỡng HSG là công việc đỏi hỏi giáo viên phải nghiên cứu, tự học, tự rèn luyện rất nhiều. Tùy vào từng bộ môn sẽ có những phương pháp khác nhau, nhưng công tác bồi dưỡng HSG chủ yếu được bố trí theo hình thức từng chuyên đề cụ thể và chọn lọc từ cơ bản đến nâng cao, rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy logic, tư duy độc lập sáng tạo…

Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên sẽ tăng cường hướng dẫn học sinh tự tìm đọc các tài liệu có định hướng theo những chuyên đề đã học. Còn đối với ôn luyện, giáo viên chú trọng rèn các kỹ năng, phương pháp làm bài, giúp học sinh làm quen với các dạng đề thi và kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các yêu cầu đề ra.

Bên cạnh những thuận lợi thì công tác bồi dưỡng HSG ở các trường hiện cũng gặp không ít khó khăn, như: Chất lượng học sinh không đồng đều ở các bộ môn; cơ sở vật chất còn thiếu thốn; tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn chưa được khắc phục; nhiều bộ môn chưa thu hút học sinh tham gia đội tuyển HSG như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; vẫn còn hiện tượng giáo viên, học sinh không mặn mà với công tác bồi dưỡng HSG…

Đ. PHI

.
.
.