Thứ Bảy, 01/10/2022, 08:45 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Hoạt động bán trú đi vào nền nếp, ổn định

Năm học 2022 - 2023, cùng với việc nâng chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang còn đặc biệt quan tâm, nâng  chất công tác tổ chức bán trú tại các trường học nhằm giúp học sinh có sức khỏe tốt để học tập.  

Giờ ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương.
Giờ ăn bán trú tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương.

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN BÁN TRÚ NĂM NỌC 2022 - 2023

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên các trường áp dụng Nghị quyết 01/2022 của HĐND tỉnh Tiền Giang về các quy định khoản thu và mức thu, cơ chế thu chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Theo đó, đối với học sinh tiểu học, mức thu học bán trú là 184.000 - 216.000 đồng/học sinh/tháng tùy vùng. Mức thu của Nghị quyết 01 ra đời dựa trên Nghị định 81 của Chính phủ về quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập và giá dịch vụ trong GD-ĐT.

Đầu năm học mới 2022 - 2023, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện tổ chức học bán trú. Theo đó, ngoài các khoản thu được quy định tại Nghị quyết 01, các trường vận động xã hội hóa giáo dục theo quy định của pháp luật để nâng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh. Việc thu chi phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, thu vừa đủ chi, mang tính chất phục vụ, không mang tính kinh doanh, công khai dân chủ.

Để kịp thời hướng dẫn các trường, Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 01 về các quy định khoản thu và mức thu, cơ chế thu chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục. Tại hội nghị, đại diện Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành, các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú nêu lên những thuận lợi, khó khăn bước đầu trong quá trình thực hiện Nghị quyết 01; đồng thời, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để nâng chất công tác bán trú ở các trường mầm non, tiểu học.

ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Qua thống kê, tại Tiền Giang hiện có 207 cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể. An toàn thực phẩm (ATTP) được xem là yêu cầu quan trọng được các trường triển khai khi thực hiện công tác bán trú. Đối với TP. Mỹ Tho là địa phương có số trường tổ chức bán trú khá đông với trên 18 ngàn học sinh bán trú nên công tác đảm bảo ATTP trong trường học luôn được ngành GD-ĐT thành phố đặc biệt quan tâm.

 
Việc thực hiện Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh đã được ngành
GD-ĐT tỉnh hướng dẫn trong đầu tháng 9 vừa qua. Trên cơ sở đó, các trường nhanh chóng đưa hoạt động bán trú đi vào nền nếp đáp ứng yêu cầu, tạo sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Đối với công tác bán trú, các cơ sở giáo dục cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh ATTP, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh…

 
TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT

Theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP. Mỹ Tho Trương Thị Hoàng Lam, 100% bếp ăn tại các trường có tổ chức bán trú đều được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP và cam kết đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP trong trường học có tổ chức bán trú, hằng năm, các trường đều cử giáo viên, nhân viên dự lớp tập huấn về vệ sinh ATTP và quy trình chế biến thức ăn.

Đồng thời, các ngành chức năng của thành phố còn tiến hành kiểm tra định kỳ tại các trường có tổ chức bán trú; thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường thực hiện đúng những quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) có trên 2.500 học sinh, trong đó có hơn 1.700 học sinh ở bán trú. Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng và bảo mẫu của trường có trên 30 người.

Theo cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, nhà trường luôn quán triệt đến tất cả nhân viên phải đặt sức khỏe của học sinh lên hàng đầu. Do đó, công tác đảm bảo ATTP được tập thể nhân viên khu vực nhà bếp thực hiện nghiêm ngặt từ khâu đầu vào cho đến quy trình chế biến món ăn.

Bên cạnh đó, trường còn thiết lập hệ thống camera giám sát, theo dõi toàn bộ quy trình chế biến thức ăn ở khu vực nhà bếp. Nếu phát hiện hành vi không đảm bảo vệ sinh ATTP, thì Ban Giám hiệu nhà trường sẽ chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời.

Còn tại Trường Mầm non Hoa Hồng (TP. Mỹ Tho) hoạt động bán trú đã đi vào nền nếp trong những ngày đầu tựu trường năm học mới. Đối với trẻ học bán trú, nhà trường tổ chức 1 bữa ăn sáng, 1 bữa ăn chính, 1 bữa ăn phụ và uống sữa. Các bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm với tỷ lệ cân đối và hợp lý.

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thùy Lan cho biết: “Bên cạnh việc đảm bảo vệ sinh ATTP, nhà trường còn đặc biệt chú ý thực đơn, mỗi bữa ăn trong tuần phải thay đổi bảo đảm cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết phù hợp cho trẻ mầm non, nhất là việc kết hợp nhiều loại thực phẩm, nhiều loại rau củ quả để tăng phần hấp dẫn cho mỗi bữa ăn của trẻ, giúp trẻ thích thú khi được ăn bán trú tại trường. Trước giờ ăn, giáo viên và nhân viên của trường thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay, sử dụng khăn riêng trong quá trình ăn uống”.

TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP

Tổ chức bán trú ở trường học là nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ chủ yếu vào buổi trưa dưới sự giám sát của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Việc tổ chức bữa ăn sẽ do Ban Giám hiệu nhà trường quản lý, chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế thực đơn, mua thực phẩm cho đến khâu chế biến món ăn. Nhà trường sẽ trực tiếp tuyển chọn đội ngũ cấp dưỡng có tay nghề và được đào tạo chuyên môn để thực hiện quy trình chế biến món ăn. Việc kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú ở trường học sẽ do các Phòng GD-ĐT, Trung tâm Y tế địa phương, Sở Y tế chịu trách nhiệm.

Có thể nói, việc tổ chức bán trú là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Việc hoạt động của bếp ăn bán trú tại trường học không chỉ tuân thủ theo các quy định của ngành Giáo dục mà còn cả ngành Y tế. Năm học 2022 - 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp, như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng… Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn cho học sinh tại các cơ sở bán trú là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Sở GD-ĐT, để công tác bán trú đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo sự đồng thuận của phụ huynh, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường học tổ chức bán trú, có bếp ăn tập thể và căn tin thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP đối với nhân viên, người làm việc tại nhà ăn, căn tin, nhà bếp, kho chứa thực phẩm.

Các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, không rõ nguồn gốc để chế biến thức ăn; không ký hợp đồng sử dụng suất ăn chế biến sẵn không đảm bảo các quy định về ATTP.

Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các trường cần triển khai một số công việc nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ như tăng cường công tác chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho học sinh; thường xuyên dọn dẹp vệ sinh lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh, rửa sạch dụng cụ, đồ chơi cho trẻ, dụng cụ học tập cho học sinh…

Ngoài những cuộc kiểm tra định kỳ của ngành GD-ĐT và ngành Y tế, tại các địa phương cũng cần có những đợt kiểm tra đột xuất vào các thời điểm khác nhau để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc xử lý những sai phạm nếu có.

Riêng tại các trường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Giám hiệu nhà trường, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra nội bộ, thường xuyên phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, có những giải pháp nâng chất bữa ăn bán trú cho học sinh.

Các cơ sở bán trú tại các trường học đã đi vào nền nếp, ổn định, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Hơn bao giờ hết, để nâng chất các hoạt động bán trú rất cần tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, sự đồng thuận từ phụ huynh và công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng.

V.PHƯƠNG

.
.
.