Thứ Tư, 19/10/2022, 11:09 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Sớm có giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Từ bậc học mầm non đến THPT, tỉnh Tiền Giang đang phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học ở các địa phương. Hiện tại, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực bổ sung nguồn giáo viên ở các bậc học, đặc biệt là cho bậc học phổ thông để đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

THIẾU GIÁO VIÊN

Do thiếu hụt giáo viên nên những ngày qua, Trường Mầm non Phú Mỹ (huyện Tân Phước) đã đăng thông tin tuyển dụng giáo viên trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Chia sẻ về điều này, cô Phạm Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 7 lớp với 235 trẻ.

Tiền Giang cần tuyển dụng nguồn giáo viên đang thiếu ở các bậc học (ảnh chụp tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho).
Tiền Giang đang quyết liệt tuyển dụng nguồn giáo viên đang thiếu ở các bậc học (ảnh chụp tại Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho).

Năm học 2022 - 2023, trường có 7 giáo viên, nhưng mới đây lại có 1 giáo viên xin nghỉ việc, 1 giáo viên đi học Trung cấp Chính trị, nên trường không đủ giáo viên đứng lớp. Để kịp thời giải quyết tình trạng này, Ban Giám hiệu nhà trường đã phải luân phiên đến lớp dạy như giáo viên. “Hiện tại, chúng tôi đang cần tuyển đến 6 giáo viên, mới đủ nguồn giáo viên đang thiếu của trường, nhưng vẫn không có nguồn để tuyển. Nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nuôi và dạy trẻ của trường”, cô Điệp cho biết thêm.

Cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên, Trường THCS Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) hiện cũng đang cần tuyển 4 biên chế để bổ sung vào tổng chỉ tiêu 36 biên chế của trường. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, năm học 2022 - 2023, trường cần tuyển 4 chỉ tiêu ở các môn Ngữ văn, Sinh học, Địa lý và Giáo dục công dân. Tuy nhiên, những năm qua, hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện tại, UBND huyện Tân Phước cũng đã đăng thông báo tuyển dụng đầu năm học, hy vọng năm học này trường sẽ đủ nguồn tuyển dụng.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tân Phước, toàn ngành Giáo dục huyện có 677 cán bộ, giáo viên đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục huyện đang cần tuyển 19 biên chế mầm non; 18 biên chế tiểu học và 10 biên chế THCS. Bên cạnh thiếu giáo viên ở bậc mầm non thì giáo viên ở bậc tiểu học cũng như một số bộ môn như: Mỹ thuật, Tin học, Ngữ văn… trong những năm qua cũng khó tuyển dụng.

Còn tại huyện Châu Thành, theo Phòng GD-ĐT huyện, năm học 2022 - 2023, huyện cần tuyển 24 chỉ tiêu mầm non; 79 chỉ tiêu tiểu học và 34 chỉ tiêu THCS. Trong đó, đáng chú ý ở bậc tiểu học thiếu 55 giáo viên dạy lớp và bậc THCS thiếu nhiều nhất ở bộ môn Ngữ văn với 12 chỉ tiêu…

NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan. Theo đó, giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, Tiền Giang là một trong những  địa phương thực hiện rất chặt chẽ khâu biên chế và giao biên chế giáo viên đứng lớp theo đúng quy định và sát tình hình thực tế.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh Tiền Giang hiện thiếu 537 giáo viên bậc mầm non; 343 giáo viên bậc tiểu học; 302 giáo viên bậc THCS và 110 giáo viên bậc THPT. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng về quy mô học sinh, số lớp và nhu cầu sử dụng giáo viên của các bậc học trong việc thực hiện Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tuy nhiên, ở giai đoạn sau này, thực hiện các Nghị quyết Trung ương Đảng về tinh giản biên chế, đội ngũ giáo viên toàn tỉnh lại tiếp tục giảm 10% nên dẫn đến thiếu giáo viên. Một nguyên nhân khác khiến tình trạng thiếu giáo viên đó là do số học sinh cơ học tăng quá nhanh, đặc biệt năm 2019, số học sinh lớp 1 tăng đột biến, điều này ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên.

Mặt khác, việc cơ cấu giáo viên chưa hợp lý làm xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn. Trong đó, xu hướng hiện nay là thiếu nhiều giáo viên ở các môn học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục công dân…

Trong khi đó, việc tuyển dụng giáo viên ở bậc trung học theo quy chế tuyển dụng còn khá khắt khe. “Trước đây, có một giai đoạn thừa giáo viên rất nhiều, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Cao đẳng sư phạm ra trường thất nghiệp, phải đi làm công nhân.

Còn ở giai đoạn hiện nay, cần nguồn tuyển dụng thì yêu cầu tuyển dụng phải là trình độ đại học, trong khi số lượng dư thừa trước đó chủ yếu ở trình độ cao đẳng. Bên cạnh đó, chưa có chế độ ưu đãi nào nên cũng rất khó lôi cuốn họ trở lại với nghề giáo”, một Hiệu trưởng bậc THCS ở huyện Châu Thành lý giải.

Để kịp thời bổ sung nguồn giáo viên thiếu, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Theo đó, toàn ngành Giáo dục cả nước sẽ bổ sung tổng số biên chế là 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. Riêng năm học 2022 - 2023, sẽ tuyển bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, hiện tại ngành Giáo dục cũng đang có nhiều nỗ lực trong việc tuyển dụng giáo viên cho các địa phương. Theo đó, với bậc mầm non sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Tiền Giang về thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non ở những khu vực khó tuyển dụng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, bậc học này cần tuyển 172 chỉ tiêu cho 97 điểm trường ở các xã, phường khó tuyển dụng trong thời gian 3 năm thì đến nay đã tuyển được hơn 40% giáo viên.

Còn ở bậc học phổ thông, hiện tại, một trong những giải pháp trước mắt được các trường đưa ra là thực hiện thỉnh giảng đối với giáo viên ở các môn học đang thiếu. Tuy nhiên, về phương hướng lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh đang phối hợp với các trường đại học liên kết trong việc đào tạo nguồn giáo viên cho tỉnh nhà, đặc biệt là ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng của tỉnh trong nhiều năm qua như Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn…

Có thể thấy, về lâu dài ngành Giáo dục cần sớm có giải pháp căn cơ và quyết liệt để nhanh chóng bổ sung nguồn giáo viên đang thiếu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học.

V.PHƯƠNG

.
.
.