.
Tuyển dụng giáo viên tại Tiền Giang:

Chỉ tiêu nhiều, trúng tuyển ít

Cập nhật: 10:30, 30/12/2022 (GMT+7)

Thiếu giáo viên là câu chuyện không mới, nhưng đây thật sự là bài toán nan giải cho ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Tuy nhiên, có một nghịch lý là dù chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên rất nhiều, nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ ứng tuyển lại ít.

Liên tiếp trong 2 năm gần đây, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên.

CHỈ TIÊU CẦN TUYỂN NHIỀU

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các địa phương của tỉnh Tiền Giang, chưa có thời điểm nào mà số lượng biên chế giao cho ngành Giáo dục lại cao như hiện nay, nhưng nhiều năm qua, hồ sơ ứng tuyển ít dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn. Theo thống kê của kỳ tuyển dụng giáo viên mới nhất, số lượng thí sinh trúng tuyển huyện Châu Thành chỉ có 17/21 chỉ tiêu mầm non; 14/55 chỉ tiêu tiểu học; 8/34 chỉ tiêu THCS; huyện Cái Bè 22/25 chỉ tiêu mầm non, 13/38 chỉ tiêu tiểu học, 12/60 chỉ tiêu bậc THCS; huyện Chợ Gạo 15/95 chỉ tiêu mầm non, 5/7 chỉ tiêu tiểu học, 1/11 chỉ tiêu bậc THCS…

Cần có chế độ chính sách, đãi ngộ để thu hút giáo viên mầm non. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho).
Cần có chế độ chính sách, đãi ngộ để thu hút giáo viên mầm non. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho).

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, quy định của Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và giáo viên tiểu học phải tốt nghiệp đại học sư phạm nên nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng không đủ chuẩn trình độ để dự tuyển. Còn theo Sở GD-ĐT, toàn ngành GD-ĐT tỉnh hiện có 18.419 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; có 328.583 trẻ và học sinh mầm non, phổ thông.

Trong 3 năm qua, ngành GD-ĐT đã tập trung triển khai Chương trình GDPT 2018. Trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình mới, đã xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, cụ thể thiếu 312 giáo viên mầm non tại các vùng còn khó khăn và 397 giáo viên phổ thông, chủ yếu ở bậc tiểu học và một số bộ môn ở bậc trung học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ.

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 12 quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng, tỉnh đã tuyển được 206 giáo viên mầm non cho 57 trường khó tuyển dụng. Tuy nhiên, qua điều tra thực tế đã có thêm 40 trường khó tuyển dụng giáo viên mầm non. Ngoài bậc học mầm non, nhu cầu tuyển dụng trong 5 năm gần đây nhất của các môn khó tuyển dụng của 9 trường thuộc địa bàn khó tuyển dụng là 33 giáo viên, nhưng chỉ có 6/33 giáo viên đăng ký, số giáo viên không đăng ký tuyển dụng hoặc không đến nhận nhiệm sở là 27 giáo viên.

THÊM HƯỚNG MỞ TỪ NGHỊ QUYẾT

Theo Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hoàng Tấn, để giải quyết những khó khăn từ việc thiếu giáo viên, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh động hợp đồng giáo viên đã nghỉ hưu nhưng có nguyện vọng, đảm bảo sức khỏe để tham gia giảng dạy; thực hiện tăng giờ, tăng buổi hoặc thỉnh giảng giáo viên nhằm đảm bảo duy trì chất lượng dạy và học.

Về lâu dài, trên cơ sở  Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các trường đại học để đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Tổ chức thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định 71 ngày 30-6-2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp…

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy môn học trong cơ sở GDPT công lập tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng.

Theo Nghị quyết này thì mức chi hỗ trợ: Đối với giáo viên mầm non mới tuyển dụng được phân công công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy.

Đối với viên chức quản lý, giáo viên đang công tác trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng quản lý, thực dạy. Đối với giáo viên mới tuyển dụng giảng dạy các môn học khó tuyến dụng giáo viên trong các cơ sở GDPT công lập quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị quyết được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Tấn thông tin thêm: Nghị quyết trên được thông qua đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để ngành GD-ĐT giải bài toán thiếu giáo viên tồn tại trong thời gian qua. Một thông tin cũng đáng mừng là vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã có đề nghị Quốc hội xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học, nên điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non từ 35% hiện nay lên tối thiểu 70%. Và tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 vừa qua, Chính phủ giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên.

ĐỖ PHI

.
.
.