Thứ Ba, 24/01/2023, 16:52 (GMT+7)
.

Để đạt được thành công lớn phải vượt qua nhiều thách thức lớn

Trong năm 2022, ngành giáo dục đã trải qua nhiều giai đoạn đặc biệt cũng như cùng lúc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ về một năm đã qua của ngành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của năm 2022 trong bối cảnh đầy thách thức
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Ngành giáo dục đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của năm 2022 trong bối cảnh đầy thách thức

Vượt qua nhiều thử thách lớn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm 2022 là năm nhiều thách thức với toàn ngành. Một trong những nhiệm vụ lớn là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ đã đề ra.

Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục đã triển khai chương trình mới, vừa thay sách giáo khoa (SGK) cho các lớp 3, 7, 10; vừa tổ chức biên soạn, thẩm định SGK lớp 4, 8, 11 cùng rất nhiều các công việc khác cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, bản thân việc đó cũng đầy thách thức vì trong cùng một năm phải triển khai nhiều lớp hơn hẳn những năm trước, lại trong điều kiện sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, về giáo viên, các điều kiện khác có rất nhiều khó khăn.

"Chúng tôi vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã trở lại bình thường. Cho tới giờ phút này, nhìn lại những việc đã qua chúng ta thấy bình thường nhưng trong thời khắc đó, đối với ngành giáo dục là một thử thách rất lớn, bởi khi đó, việc tiêm vaccine cho trẻ em hầu như chưa có, cùng nhiều khó khăn khác của công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhưng với quyết tâm rất cao, ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế tổ chức mở cửa trở lại trường học", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm học đúng tiến độ, tổ chức kỳ thi THPT với chất lượng tốt, theo kế hoạch đã đề ra. Đây là một năm thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức các đoàn học sinh tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế, khu vực với nhiều kết quả đáng khích lệ. Các công việc như thẩm định SGK, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tập huấn giáo viên và các điều kiện khác cũng được triển khai đúng tiến độ.

Năm qua, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, những khó khăn về kinh tế-xã hội cũng đã tác động và tạo ra nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho ngành giáo dục. Một trong những thách thức lớn là giáo viên từ bậc mầm non cho đến phổ thông nghỉ việc, bỏ việc, chuyển việc càng làm cho vấn đề thiếu hụt giảng viên thêm trầm trọng. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, đặc biệt là tại các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, đông dân cư. Trong khi tổng số học sinh gia tăng, chuẩn trường học và lớp học có những đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ nhiều hơn.

Còn đối với giáo dục đại học, đây cũng là một năm để ngành giáo dục tiến hành rà soát những vấn đề liên quan đến tự chủ đại học, đánh giá những gì làm được, những gì còn vướng mắc. "Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 99 - Nghị định rất quan trọng trong việc triển khai tự chủ đại học", Bộ trưởng trăn trở.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là tất yếu khách quan.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là tất yếu khách quan.

Năm trọng tâm của sự nghiệp đổi mới

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Hiện có 6 bậc lớp được dạy theo chương trình mới và thay SGK, các bậc lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra.

Cụ thể, ngành giáo dục sẽ tổ chức thẩm định SGK lớp 4, 8, 11 và cũng là năm chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định SGK lớp 5, 9, 12; triển khai những môn học mới trong chương trình; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất;...

Đây cũng là năm mà ngành phải hoàn thành việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và triển khai  chương trình giáo dục mầm non mới.

Năm 2023, ngành giáo dục sẽ đánh giá 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, những gì đã làm được, những gì còn tiếp tục phải triển khai.

Lĩnh vực giáo dục đại học phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đại học sư phạm trọng điểm, trường chuyên biệt; nhằm phát huy được tiềm năng của các trường, cũng như thực hiện những chiến lược phát triển giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, với mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng và đáp ứng yêu cầu đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Nhưng đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra. 

"Chúng tôi dự kiến trong năm 2023 sẽ dự thảo và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật nhà giáo, làm căn cứ để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tiếp theo", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.

Ngoài ra, ngành giáo dục tiếp tục thúc đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành, gia tăng các kết nối trong-ngoài, trên-dưới hệ thống, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tăng cường văn hóa học đường, an toàn trường học, phòng, chống đuối nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trường học…

Cùng nhau cố gắng để đón nhận những gì tốt đẹp nhất của đổi mới giáo dục đem lại

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, thời điểm này ngành giáo dục đang trong lộ trình đổi mới.  có rất nhiều cái mới đang được hình thành, triển khai, ra đời. Đây là một nhiệm vụ lớn mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành giáo dục. "Nếu thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh thì chắc chắn sự đổi mới này rất khó có thể thành công".

"Tôi mong rằng toàn thể nhà giáo ý thức được vinh dự, trách nhiệm, thách thức của sự nghiệp đổi mới để cùng nhau nỗ lực. Không có một sản phẩm của sự đổi mới nào có thể ra đời dễ dàng. Để đạt được thành công lớn phải vượt qua nhiều thách thức lớn", người đứng đầu ngành giáo dục cho biết.

Còn đối với học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các em đón nhận tinh thần đổi mới từ các thầy cô giáo một cách chủ động, tích cực.

(Theo baochinhphu.vn)

 

 

 

 

 

.
.
.