Thứ Ba, 24/01/2023, 22:10 (GMT+7)
.

Tạo dựng "trường học số"

Bộ Giáo dục - Đào tạo đánh giá, Covid-19 vừa là thách thức, vừa là phép thử quan trọng để đánh giá sự sáng tạo, thích ứng của ngành giáo dục, giáo viên, học sinh trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số là con đường bắt buộc phải đi để hướng đến hoạt động dạy và học thời 4.0.

Rút ngắn khoảng cách nhờ “giáo dục số”

Sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, cô giáo Đỗ Thùy Quyên, Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của trẻ em vùng cao. 36 tuổi đời, cô Quyên đã có 17 năm gắn bó với học sinh mầm non. Thương các em, cô tìm mọi cách để có thể kéo ngắn khoảng cách với giáo dục đồng bằng. Từ năm 2018, khi tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft, cô có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc. Cô ứng dụng công cụ Skype mở lớp học “xuyên biên giới”, kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Cô Quyên còn xây dựng dự án “Nông sản sạch - cùng bé đến trường”, lập dự án ứng dụng dạy học bằng robot thông minh. Hiện nay, lớp của cô Quyên đang sử dụng robot Mtiny và robot Vex 123 để giáo dục STEM. Nhờ sự nỗ lực của cô Quyên, chân trời mơ ước của những đứa trẻ người Mông được mở ra khoáng đạt và rộng lớn hơn.

Nỗ lực thu hẹp khoảng cách cho học sinh với ứng dụng số, hơn 15 năm đứng lớp, cô giáo Lê Thị Uyên (Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật, xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) luôn nghiên cứu và áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, tìm ra cách học mới để học sinh thấy mình “được học” chứ không “bị học”. Để việc học tập trở nên hấp dẫn hơn, cô thường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các bạn được lên ý tưởng cho bài học, có thể diễn kịch, diễn thời trang, vẽ truyện tranh, sáng tác thơ về nội dung liên quan đến bài học. Không khí sôi nổi khi các nhóm cùng thi đua để tạo ra sản phẩm giúp học sinh phát huy được tối đa năng lực, sở trường.

Những năm gần đây, cô Uyên đã lập fanpage dạy trên internet mang tên “địa lý cô Uyên”, “trường học số 4.0 cô Uyên” để chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp và giúp học sinh có thêm nguồn tài liệu học tập. Cô nhận được nhiều khen thưởng trong công tác “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, có thành tích trong dạy học trên truyền hình…

a
Cô giáo Đỗ Thùy Quyên cùng các trẻ nhỏ trong giờ học với robot Vex 123. Ảnh: ĐỖ LINH

Nhà giáo cần tiên phong

Từ ứng dụng công nghệ số vào việc dạy học, một cô giáo mầm non như Đỗ Thùy Quyên có thể tự học nâng cao năng lực bản thân, trở thành người đi đào tạo cho các cấp học khác từ mầm non đến THPT về công nghệ thông tin và cả chuyên môn như giáo dục STEM. Đó là điều mà bất cứ một giáo viên nào cũng có thể làm được trong thời đại 4.0, nếu thực sự có đủ đam mê, nhiệt huyết…

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, trong bối cảnh đất nước đứng trước cơ hội rộng mở với thế giới, GD-ĐT vinh dự được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển. Để thực hiện sứ mệnh đó, ngành giáo dục đang thực hiện một cuộc cải cách lớn.

Nhưng muốn đổi mới, cải cách, cần đổi mới từ tư duy, cơ chế chính sách, quản trị hệ thống, đổi mới cơ sở hạ tầng và đặc biệt, không thể thiếu, đó là đổi mới đội ngũ. Giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có, mà cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số. “Nhà giáo phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp khoa học kiểm tra đánh giá hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Thế giới biến đổi từng giây, từng phút, lượng tri thức nhân loại bùng nổ. Mô hình bậc thầy uyên bác biết tất, biết mười dạy một không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà giáo chỉ cần nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng và dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn. Đáp ứng yêu cầu “giáo dục số” chính là một đòi hỏi mà bất cứ người dạy nào cũng phải bảo đảm. Bởi, phải có “giáo viên số” thì mới có được “học sinh số”, để tạo ra những “công dân số” cho đất nước trong thời đại số này…

Theo bảng xếp hạng các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất năm 2021 (USNEWS), giáo dục Việt Nam đứng thứ 59. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 10 hệ thống giáo dục có sự đổi mới mạnh mẽ hàng đầu thế giới. Bước sang năm 2023, ngành giáo dục đứng trước rất nhiều nhiệm vụ lớn, trong đó thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ được coi là yếu tố để bứt phá chất lượng.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.