.

Bạo lực học đường: Bộ GD&ĐT thực hiện 7 giải pháp phòng tránh

Cập nhật: 16:37, 15/02/2023 (GMT+7)

Vấn nạn bạo lực học đường vẫn liên tiếp xảy ra thời gian qua gây bức xúc dư luận.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với nỗ lực, quyết tâm để trang bị cho các em học sinh về kiến thức, kỹ năng, một trong những điểm rất đáng lưu ý của ngành giáo dục đặt ra cho năm học 2022-2023 là chú trọng văn hóa học đường.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn liên tiếp xảy ra nhiều vụ nữ sinh bị bạn đánh gây bức xúc dư luận. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã nhận được kiến nghị của cử tri TPHCM gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cử tri kiến nghị Bộ và các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhà trường cần có những giải pháp, biện pháp xử lý đối với vấn nạn bạo lực học đường, tránh những rủi ro gây ra hậu quả nặng nề cho học sinh, gia đình và cộng đồng.

Đồng thời, các chương trình giáo dục cần tăng cường các chuyên đề về kỹ năng thực hành xã hội, giáo dục tình yêu thương con người, quý trọng sức khỏe, sinh mạng.

Trước kiến nghị trên, Bộ GD&ĐT cho biết đã và đang thực hiện 7 giải pháp phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, gồm:

Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030", Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025". Ban hành các thông tư, chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành giáo dục;

Lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.

Bộ GDĐT cũng đã xây dựng "Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục" dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục xây dựng sổ tay hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh; tài liệu tuyên truyền cho gia đình học sinh về ứng xử văn hóa, hướng dẫn công tác phối hợp, chia sẻ thông tin về phòng ngừa bạo lực học đường; sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; sổ tay thực hành công tác xã hội trường học…

Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và chỉ đạo các sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh; tăng cường triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường trong việc phòng ngừa và tư vấn, hỗ trợ cho học sinh liên quan đến bạo lực học đường...

Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh;

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh; nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm. Hằng năm phối hợp tổ chức cuộc thi pháp luật học đường dành cho học sinh phổ thông...

Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo.

(Theo baochinhphu.vn)

.
.
.