Thứ Sáu, 03/02/2023, 10:14 (GMT+7)
.

Học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề

Đến hẹn lại lên, câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp lại nhận được nhiều sự quan tâm từ phụ huynh và học sinh lớp 12. Trước những biến động của thị trường lao động, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 thì việc chọn một ngành nghề vừa phù hợp với bản thân vừa không bị thất nghiệp là điều không dễ. Chính vì vậy, ngay trong giai đoạn quan trọng này, học sinh lớp 12 rất cần sự định hướng, phân tích thông tin ngành, nghề  từ nhà trường và gia đình để có những lựa chọn đúng đắn hơn về nghề nghiệp.

Theo đánh giá từ nhiều lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mặc dù công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp đã được các trường quan tâm, triển khai định kỳ, thường xuyên, song cho đến nay vẫn còn rất nhiều học sinh khá mơ hồ, thậm chí là hoang mang khi không biết lựa chọn cho mình ngành nghề gì sau khi tốt nghiệp THPT. Thực tế từ rất nhiều mùa tuyển sinh trong những năm qua cho thấy, việc chọn ngành nghề của học sinh theo xu hướng đám đông vẫn còn.

Thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (TX. Gò Công) cho biết, trong học kỳ I vừa qua, nhà trường đã tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh. Nhà trường đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 như học ngành nghề gì không thất nghiệp; ngành nghề nào có thu nhập cao, hay đang “hot” hiện nay… và cũng có rất nhiều băn khoăn như nên học đại học hay học nghề, bởi nhiều cử nhân hiện nay ra trường vẫn thất nghiệp…

Buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Trường THPT Trương Định (TX. Gò Công).
Buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp tại Trường THPT Trương Định (TX. Gò Công).

Thực tế cho thấy, trong xã hội ngày nay, có không ít người làm công việc không đúng với ngành mình đã từng theo học. Tại các trường đại học, cao đẳng trong quá trình đào tạo, nhiều sinh viên đã chọn không đúng ngành nghề, sau khi vào học thấy không phù hợp, lại rẽ sang học ngành nghề khác.

Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Tiền Giang Đinh Quốc Cường, với sự chuẩn bị chu đáo trong công tác tuyển sinh từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, xu thế lựa chọn ngành nghề hiện nay đã có nhiều tiến bộ hơn trước. Trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, đa phần học sinh lớp 12 đã biết quan tâm chọn ngành nghề để không bị thất nghiệp, chọn trường uy tín, học phí phù hợp với kinh tế gia đình…

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết để chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân là học sinh cần phải phân tích, dựa vào các yếu tố như đam mê, sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Tại Trường Đại học Tiền Giang hiện đang đào tạo 20 ngành trình độ đại học, 1 ngành cao đẳng sư phạm mầm non và những năm qua, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trên 90%.

Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng tăng lên. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, dự kiến trong năm 2023, nhu cầu tuyển dụng trên 15.000 lao động, trong đó trình độ chuyên môn chiếm hơn 35%. Một số ngành nghề tuyển dụng có trình độ chuyên môn tập trung vào các nhóm ngành nghề như cơ khí, may, kế toán…

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo 42 ngành nghề. Hằng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo hơn 10.000 học sinh, học viên trở thành người lao động có kỹ năng, góp phần phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hơn 85% học sinh, học viên tốt nghiệp có việc làm theo ngành nghề đã học. Từ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 10,4% năm 2000 tăng lên 52,5% vào năm 2022.

Ngay từ bây giờ, học sinh cần xác định rõ sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn cho bản thân ngành nghề theo học phù hợp. Cùng với đó, sự định hướng ngành nghề từ phía nhà trường và gia đình cũng rất cần thiết cho học sinh hiện nay.

PHI CÔNG - NHƯ NGỌC

.
.
.