.

Huyện Cai Lậy: Khó khăn trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa

Cập nhật: 15:50, 23/02/2023 (GMT+7)

(ABO) 3 năm qua, ngành Giáo dục huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã không ngững nỗ lực vượt khó để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện đổi mới chương trình này. Đó là ý kiến của nhiều giáo viên, lãnh đạo ngành Giáo dục huyện Cai Lậy tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) vào sáng 23-2.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Đoàn giám sát do Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm làm Trưởng đoàn. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và đại diện lãnh đạo các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Cai Lậy...

Đại biểu Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi thảo luận tổ
ĐBQH Nguyễn Thị Uyên Trang phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND huyện Cai Lậy, việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình SGK GDPT ngoài những kết quả đạt được thì vẫn còn khó khăn, bất cập.

Cụ thể, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Một số giáo viên triển khai dạy chương trình mới hiệu quả chưa cao, còn lúng túng, hạn chế về đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, sử dụng SGK mới chưa linh hoạt.

Một số ít học sinh còn khó khăn khi chưa hình thành được một số năng lực như tự chủ, tự học, sáng tạo và giải quyết vấn đề; học sinh chưa thực sự tự tin, mạnh dạn trong quá trình học tập… Bên cạnh đó, thực hiện theo Chương trình GDPT mới nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũ, nên chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu thực tế khi triển khai chương trình gây nhiều khó khăn cho thầy cô giáo trong giảng dạy.

Thầy Nguyễn Hồng Oanh phát biểu tại buổi làm việc
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hồng Oanh phát biểu tại buổi làm việc.
Đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế - HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Đại diện lãnh đạo Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc lãnh đạo các trường và thầy cô giáo cho biết, nhà trường đang gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn lớn là đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn; giáo viên được phân công giảng dạy các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương, công nghệ gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo chính quy. Một số trường quy mô nhỏ, giáo viên phải dạy cả hai chương trình cùng lúc nên đôi lúc khó tập trung, đầu tư chuyên môn vào chương trình GDPT mới.

Lãnh đạo các trường phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Lãnh đạo các trường phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang là vấn đề rất nan giải, hiện giáo viên chuẩn bị về hưu nhiều, trong khi nguồn tuyển giáo viên không có, đây là vấn đề rất khó khăn của ngành Giáo dục địa phương. Mặt khác, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể đối với học sinh lưu ban thì năm học tiếp theo các trường còn lúng túng trong xử lý...

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy phát biểu tại buổi làm việc
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hồng Oanh cho biết, từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT khi đưa ra một môn mới thì không chuẩn bị con người để đáp ứng việc giảng dạy môn mới đó. Điển hình như trước đây là bộ môn Giáo dục quốc phòng, bộ môn Tin học yêu cầu đưa vào nhà trường giảng dạy nhưng không chuẩn bị về giáo viên giảng dạy.

Đồng chí Nguyễn Hồng Oanh cho rằng, nếu đổi mới dạy tích hợp theo Chương trình GDPT mới thì phải đào tạo giáo viên từ 3 - 5 năm trước, như vậy mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp theo chương trình mới. Hiện nay, dạy tích hợp theo chủ đề nhà trường phải đổi thời khóa biểu liên tục, đây là vấn đề đau đầu cho nhà trường, không khéo sẽ phải có một nhân sự riêng để xếp thời khóa biểu, đây là khó khăn mà hiện nay nhà trường không thể tháo gỡ. Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị về các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vấn đề này.

Lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy phát biểu tại buổi làm việc
Lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các ĐBQH, thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo nhà trường đã phân tích, đưa ra một số đề xuất, kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm tháo gỡ những vướng mắc để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời các ý kiến của thầy cô giáo tại buổi làm việc
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trả lời các ý kiến của thầy cô giáo tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm đáng giá cao sự nỗ lực của lãnh đạo huyện Cai Lậy, lãnh đạo nhà trường và các thầy cô giáo đã linh hoạt trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT trong thời gian qua. Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của nhà trường, đồng thời ghi nhận các kiến nghị của thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo UBND huyện Cai Lậy. Sau giám sát tại các địa phương, Đoàn sẽ làm việc với Sở GD-ĐT và các cấp, các ngành liên quan về những vấn đề các thầy cô đặt ra, từ đó có kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ trong thời gian tới.

Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu kết luận buổi làm việc.

 THU HOÀI

.
.
.