Thứ Năm, 02/02/2023, 20:54 (GMT+7)
.

Nỗ lực đổi mới thi và tuyển sinh

Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học là câu chuyện luôn thời sự vì liên quan đến cả xã hội. Gần 2 thập niên qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực đổi mới song hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 5-2022 tại Đồng Nai. Ảnh: https://www.sggp.org.vn
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 5-2022 tại Đồng Nai. Ảnh: https://www.sggp.org.vn

Bộ GD-ĐT khẳng định, từ năm 2023 đến trước năm 2025 việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học giữ ổn định, không có nhiều thay đổi so với năm 2022 và sẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Trong đó, đáng nói nhất là quy chế thi tốt nghiệp sẽ bỏ 2 quy định đã áp dụng liên tục nhiều năm qua là: (1) “cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ”; (2) thí sinh không rời khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian tự luận, phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi”.

Với quy chế tuyển sinh đại học, từ kỳ tuyển sinh năm 2023, chỉ những thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 và năm 2023 có đăng ký xét tuyển được hưởng chính sách ưu tiên theo khu vực; chính sách ưu tiên trong tuyển sinh cũng được điều chỉnh từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên theo quy định.

Những điều chỉnh này nhằm bảo đảm công bằng giữa các thí sinh. Các thí sinh sẽ được xét tuyển công bằng, xét tuyển đúng với thực lực, thế mạnh, năng lực của bản thân, đặc biệt là khi đăng ký xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần nguồn tuyển đầu vào có chất lượng tốt.

Có thể nói, nỗ lực đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT là đáng ghi nhận. Song mục tiêu chưa đạt như kỳ vọng chính là ở cách làm. Nếu tính riêng tuyển sinh đại học thì sau 13 năm (từ năm 2002 đến 2014) thực hiện “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) với quá nhiều bất cập thì năm 2015 đổi thành kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” với 2 mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Kỳ thi “2 trong 1” có nhẹ nhàng, giảm áp lực thi cử, đỡ tốn kém nhưng lại vấp phải nhiều vấn đề về kỹ thuật và đỉnh điểm nhất là những sai phạm nghiêm trọng trong năm 2018 về gian lận sửa điểm thi. Từ năm 2020 đến nay, kỳ thi THPT quốc gia đổi thành kỳ thi tốt nghiệp THPT với 2 mục tiêu nhưng tiếp tục nảy sinh nhiều sạn.

Đổi mới thi và tuyển sinh đại học không chỉ các cơ sở đào tạo mà cả dư luận đều mong muốn để làm sao thi cử nhẹ nhàng, khách quan, công bằng và có kết quả đánh giá đúng. Lâu nay chúng ta quá xem nặng đầu vào (sàng lọc quá gắt gao), thi cử áp lực, tốn kém, căng thẳng nhưng kết quả năm nào cũng có chuyện. Trong khi đó, chất lượng đào tạo đại học không phải quyết định ở đầu vào mà nó là cả quá trình đào tạo.

Nếu nhìn rộng hơn, nhiều nước trên thế giới đã làm từ rất lâu thông qua các trung tâm khảo thí để đánh giá kiến thức và sử dụng kết quả này để xét vào các trường đại học. Bộ GD-ĐT đã có ý tưởng thành lập Trung tâm Khảo thí Quốc gia. Đây là ý tưởng tốt nhưng phải làm một cách nghiêm túc từ khâu tổ chức; xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi đủ chuẩn...

Và có rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi thực hiện, ví dụ như: hệ thống khảo thí, đánh giá của Việt Nam sẽ có mô hình, cấu trúc như thế nào? Có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hay không?

Đổi mới phương thức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học - cao đẳng là việc lớn nhưng những phương án đổi mới vừa qua vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi, sao cho phù hợp với tổng thể cải cách giáo dục, chương trình sách giáo khoa. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT cần có một nghiên cứu bài bản, có tầm nhìn xa và quan trọng nhất là phải công bố “kịch bản” đổi mới thi cử để cả xã hội cùng thông hiểu.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.