.

Nuôi dưỡng nhân tài nhà giáo

Cập nhật: 22:27, 03/02/2023 (GMT+7)

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí mạnh thì thế nước vững và đi lên. Nguyên khí yếu thì thế nước suy và đi xuống". Câu nói nổi tiếng ấy của Thân Nhân Trung từ xa xưa vẫn vang vọng tới ngày nay, nhắn nhủ chúng ta bài học lớn về nuôi dưỡng nhân tài, trọng đãi hiền tài trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Bài học ấy phải đặc biệt coi trọng và phát huy trong công cuộc đổi mới sáng tạo hiện nay để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Chấn hưng giáo dục để chấn hưng văn hóa, chấn hưng dân tộc thu hút sự quan tâm chú ý của không chỉ các nhà giáo, nhà trường mà của toàn dân tộc. Nuôi dưỡng nhân tài nhà giáo để chấn hưng nền giáo dục nước nhà là hướng đi cần thiết để giải quyết vấn đề ấy.

Nhân tài nhà giáo chỉ những nhà giáo có tài năng sư phạm đặc biệt xuất sắc. Họ nổi bật về tâm huyết đối với sự nghiệp “trồng người”, tình yêu tha thiết với nghề dạy học, tận tâm tận lực trong từng bài giảng, trong mỗi giờ lên lớp, dồn tất cả tình thương yêu và trách nhiệm cho việc nuôi dưỡng tâm hồn và gieo mầm sáng tạo trong trí óc học trò, trong các thế hệ học trò suốt cuộc đời mình. Họ dạy chữ để rèn đức tính và rèn luyện nhân cách người học từ chính những trải nghiệm của mình trong lao động dạy học, qua kinh nghiệm sư phạm, và hơn tất cả, từ tấm gương vị tha-nhân ái-bao dung của người thầy. “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu” (Lê Duẩn), đó phải là tổng kết lớn của khoa học sư phạm, là định đề cơ bản của hoạt động giáo dục, là nguyên lý đạo đức không bao giờ thay đổi trong tình yêu và lẽ sống, trong lý tưởng nghề nghiệp của nhà giáo, nổi bật và nổi trội ở những nhân tài nhà giáo.

Cô trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng
Cô trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng

Nhân tài nhà giáo còn là những nhà giáo tiêu biểu, điển hình về mặt năng lực sáng tạo, về trình độ học vấn và chuyên môn, nhạy cảm với cái mới và đi tiên phong trong đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới phương pháp dạy học, sao cho với tài năng và bản lĩnh sư phạm của mình, phương pháp kết tinh cả trình độ tư tưởng và khoa học, cả nghệ thuật biểu đạt những tìm tòi, sáng tạo mà người dạy sẽ dẫn dắt và thúc đẩy người học nỗ lực hiểu biết, khám phá, sáng tạo. Các nhà giáo tài năng, các nhân tài giáo dục, hơn ai hết, là những người phân biệt tinh tế giữa phương pháp, ở trình độ tư tưởng-học thuật với phương tiện có tính kỹ thuật-công nghệ, có ý nghĩa bổ trợ làm gia tăng hiệu quả cho nội dung và phương pháp giảng dạy. Làm chủ phương pháp để lựa chọn, sử dụng phương tiện cho thích hợp, phù hợp. Muốn vậy, người thầy phải công phu tự đào tạo mình để không ngừng nâng cao trình độ khoa học đến độ chín muồi và thành thục về phương pháp, sử dụng phương pháp nhuần nhuyễn như một nghệ thuật sư phạm. Những nhân tài nhà giáo như thế không chỉ tâm huyết, đam mê sáng tạo, có tài năng của người thầy mà còn tự biểu hiện sắc thái, phong cách tài hoa của người nghệ sĩ. Đó thực sự là năng khiếu sư phạm được nuôi dưỡng và phát huy trong suốt cuộc đời bằng tự học, tự đào tạo để có năng lực văn hóa, tạo nên bản lĩnh sư phạm sáng tạo quyết định thành công, giá trị và ý nghĩa nghề nghiệp của mình.

Những nhân tài nhà giáo là những người có ảnh hưởng lớn trong tập thể các đồng nghiệp và trong các thế hệ học trò. Họ là hiện thân và mẫu mực trong cộng đồng nhà trường và xã hội, họ thể hiện thành công nhất những yêu cầu của “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng). Có một câu danh ngôn, đại ý: Người thầy trung bình chỉ biết nói như sách giáo khoa; người thầy giỏi biết giải thích; người thầy xuất chúng biết minh họa; người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng. Những nhân tài nhà giáo, hơn ai hết, là những người thầy truyền lửa sống, truyền cảm hứng cho lớp lớp học trò, làm bật dậy, sinh sôi những tài năng sáng tạo trong cuộc sống. Những người thầy như thế có sức ám ảnh, thôi thúc học trò về lẽ sống làm người, về nỗ lực ở đời, sống đúng, sống tốt, sống đẹp cho đời theo hệ giá trị chân, thiện, mỹ.

Nhân tài nhà giáo là nguồn tài nguyên quý giá trong nhà trường, của nền giáo dục quốc gia, của dân tộc và xã hội. Họ xứng đáng được tôn vinh và được trọng đãi. Vậy phải làm gì và làm như thế nào để trong cộng đồng sư phạm các nhà trường, từ mầm non tới đại học, trong nền giáo dục nước nhà và trong xã hội chúng ta sẽ nảy nở ngày càng nhiều nhân tài nhà giáo?

Trước hết, cần tiếp tục giáo dục, tuyên truyền, cổ vũ, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục, về nhà trường và đội ngũ nhà giáo (không chỉ các nhà giáo trực tiếp giảng dạy mà cả các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục trên tư cách nhà giáo). Cần tạo thành môi trường văn hóa-đạo đức từ gia đình đến nhà trường và xã hội biết quý trọng, tôn vinh, biết ơn các nhà giáo về những cống hiến của họ. Bộ mặt giáo dục như thế nào thì tương lai, triển vọng phát triển của dân tộc như thế ấy. Đội ngũ nhà giáo trong cả nước rất đông đảo, mà phần lớn là các cô giáo, là lớp trẻ phải được xã hội quan tâm đúng mức, được tôn trọng, kính trọng, biết ơn và được đền ơn xứng đáng bằng nỗ lực của toàn xã hội, trước hết từ Đảng, Nhà nước, từ bản thân các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục với sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của tất cả tổ chức và cá nhân-gia đình, nhà trường và xã hội. Để tạo ra môi trường tâm lý-đạo đức tích cực trong xã hội, hình thành dư luận xã hội tốt đẹp nhất quý trọng nhà giáo và nhà trường, ngưỡng mộ, tôn vinh các nhân tài nhà giáo, giữ gìn và phát huy giá trị thiêng liêng về giáo dục, về hình ảnh nhà trường và danh hiệu cao quý của nhà giáo-“những kỹ sư tâm hồn”-thì nỗ lực tự khẳng định của từng nhà trường, của các tập thể sư phạm với vai trò dẫn dắt của người hiệu trưởng, đặc biệt là của từng nhà giáo là hết sức quan trọng.

Trong tình hình hiện nay, phải khắc phục triệt để những biểu hiện thương mại hóa giáo dục trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những hệ lụy xã hội tiêu cực sinh ra từ mặt trái của kinh tế thị trường đã làm tổn thương xã hội về đạo đức và tinh thần. Nhà trường không phải là ốc đảo biệt lập với xã hội mà là một cấu phần hữu cơ của xã hội. Những tệ nạn tiêu cực, những hệ lụy xã hội tràn vào nhà trường phải được ngăn chặn, không được làm hỏng diện mạo tinh thần và văn hóa học đường, nhất là nhân cách của người thầy. Thương mại hóa giáo dục làm cho nhà trường suy thoái, nhà giáo bị xúc phạm, tình thầy trò thiêng liêng từ bao đời bị đồng tiền, thói vụ lợi, thói đạo đức giả, những ứng xử thiếu văn hóa (nhất là từ những người giàu có mà ít học) phá hỏng. Xã hội phải phê phán, lên án tình trạng đó. Nhà nước phải bằng luật pháp để lập lại trật tự, kỷ cương. Để xóa bỏ tình trạng thương mại hóa giáo dục thì cùng với luật pháp, kỷ cương, đạo đức, phải thay đổi chính sách đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là chính sách đối với giáo viên, trong đó có vấn đề tiền lương. Phải làm cho lợi ích và đời sống của giáo viên cùng gia đình họ được bảo đảm, không để xảy ra tình trạng tự hủy hoại nhân cách, danh dự, lương tâm, trách nhiệm nhà giáo chỉ vì những áp lực của đời sống thường nhật và sự cám dỗ của tiền bạc. Hiệu trưởng các nhà trường phải làm gương cho giáo viên về việc này.

Giải pháp căn cơ là quan tâm cải cách hệ thống các trường sư phạm, nhất là các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia. Phải làm cho các nhà giáo trường sư phạm thực sự xứng đáng là “người thầy của những người thầy”; đào tạo trong trường sư phạm không chỉ đào tạo nghề mà phải đặc biệt coi trọng hàng đầu việc giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách những người thầy tương lai. Hãy nhớ lời của đại thi hào Tagore: “Giáo dục một người thầy, được cả một thế hệ”. Phải phấn đấu sao cho trường học nào cũng có những gương mặt ưu tú có sức thúc đẩy cả hội đồng sư phạm. Trong trường sư phạm phải có nhiều nhân tài nhà giáo, đó phải là nơi ươm mầm các nhân tài nhà giáo cho tất cả nhà trường trong xã hội.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.