Thứ Sáu, 17/02/2023, 20:48 (GMT+7)
.

Tốp 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam theo VNUR

Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR - https://vnur.vn/ ) vừa công bố năm 2023 cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Theo website của Bộ GD-ĐT, Việt Nam hiện có 223 cơ sở giáo dục đại học nhưng VNUR chỉ chọn ra 100 cơ sở giáo dục đại học thuộc tốp đầu và thực hiện xếp hạng các cơ sở này.

VNUR được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của Công ty TNHH phi lợi nhuận Vietnam Education Index (VEINDEX). Đại diện cho VNUR là GS. Nguyễn Lộc, nguyên cán bộ nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

ĐH Quốc gia TPHCM được xếp ở vị trí thứ 2.
ĐH Quốc gia TPHCM được xếp ở vị trí thứ 2.

VNUR dùng 6 tiêu chuẩn để xếp hạng với các tỷ trọng cụ thể như sau:

1. Chất lượng được công nhận (30%) gồm 6 tiêu chí: thứ hạng (ranking) toàn cầu hoặc khu vực như QS, THE, ARWU…; kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước; kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước; định hạng (rating) được xác định dựa trên các số liệu về kết quả định hạng được thu thập từ công bố của QS Star và UPM.

2. Dạy học (25%) gồm 2 tiêu chí: tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên; tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên;

3. Công bố bài báo khoa học (20%) gồm 3 tiêu chí: số lượng bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science trong giai đoạn 5 năm liên tục; năng suất công bố bài báo khoa học của toàn trường theo Web of Science được được tính bằng tỷ lệ tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 2 năm liên tục trên tổng số giảng viên trong cùng thời kỳ; ảnh hưởng của bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science được tính bằng tỷ lệ tổng số trích dẫn trên toàn bộ bài báo được Web of Science công bố trong năm xếp hạng của VNUR;

4. Nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%) gồm 2 tiêu chí: nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước, Bộ Ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở trong 3 năm gần nhất; số lượng bằng sáng chế được công bố ở Việt Nam trong 3 năm gần nhất;

5. Chất lượng người học (10%) gồm 2 tiêu chí: điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào được xác định bằng điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất vào trường bằng phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm được thu thập từ Báo cáo Ba công khai và Đề án tuyển sinh năm hàng năm của cơ sở giáo dục đại học;

6. Cơ sở vật chất (5%) gồm 2 tiêu chí: tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo Ba công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm; số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn CSDL… được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo Ba công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm.

ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp ở vị trí số 1 trong 100 trường ĐH Việt Nam.
ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp ở vị trí số 1 trong 100 trường ĐH Việt Nam.

Nhận định về kết quả xếp hạng của VNUR, TS Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường ĐH Văn Lang cho rằng: Những tiêu chuẩn, tiêu chí và cách thực hiện từ thu thập đến xử lý dữ liệu để xếp hạng thì có thể thấy kết quả xếp hạng của VNUR là hết sức công phu và khoa học. Những tiêu chuẩn dùng để xếp hạng về cơ bản có thể phản ánh khá toàn diện chất lượng của một đại học. Đặc biệt, VNUR đã sử dụng những dữ liệu mà chỉ có thể giới chuyên gia ở Việt Nam mới có thể biết. Việc sử dụng dữ liệu công khai từ các đại học chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc chuẩn hóa thông tin công khai từ các đại học trong thời gian tới. Trong các tiêu chuẩn dùng để xếp hạng, VNUR sử dụng 30% tỷ trọng về nghiên cứu khoa học (nhưng thực chất có thể lên đến 38% nếu một cơ sở giáo dục đại học được trọn 8% điểm từ xếp hạng đại học mà nghiên cứu khoa học chiếm tỷ trọng là 100% như ARWU hay US News).

Điểm thú vị là VNUR có những tiêu chí/cách đánh giá mà các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như SCImago, ARWU, THE, US News hay QS không có như: tích hợp kết quả xếp hạng của các bảng xếp hạng đại học uy tín khác trên thế giới; sử dụng kết quả kiểm định đại học, kiểm định chương trình, …, từ quốc gia cho đến khu vực và quốc tế; sử dụng thành tựu từ nhiệm vụ khoa học công nghệ trong nước, sáng chế trong nước; sử dụng điểm tuyển sinh đầu vào, diện tích sàn xây dựng, tài liệu học thuật trong thư viện...

Đây là cách tiếp cận hết sức tinh tế của VNUR và những khác biệt trên đã tạo nên nét riêng cho bảng xếp hạng VNUR. Một điểm khác biệt nữa có thể thấy VNUR là một bảng xếp hạng khách quan tuyệt đối theo nghĩa không phụ thuộc vào dữ liệu được cung cấp từ các đại học. Căn cứ thông tin từ website, có thể thấy VNUR độc lập trong việc xây dựng dữ liệu và độc lập xếp hạng, chứ không mời các đại học nộp dữ liệu hay cũng không phụ thuộc vào khảo sát/vote như QS, THE.

Đứng đầu trong bảng xếp hạng năm nay của VNUR là ĐH Quốc gia Hà Nội, tiếp theo là ĐH Quốc gia TPHCM và tiếp theo là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế… Hầu hết những cơ sở giáo dục đại học được xếp vào tốp 10 này đã vào các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới như SCImago, ARWU, THE, US News, QS (gọi chung là SATUQ).

Đây là lần thứ 2, có thêm một bảng xếp hạng đại học cho các đại học Việt Nam được thực hiện bởi các chuyên gia Việt Nam. Trước đây, đã có nhóm chuyên gia xếp hạng cho tốp 49 đại học hàng đầu của Việt Nam, được gọi là Nhóm 49 (nhưng hình như nhóm này không tiếp tục công bố xếp hạng mới).

Theo TS Lê Văn Út, một khi đã xếp hạng thì bao giờ cũng có đại học này xếp hạng hơn đại học kia và ngược lại, dù kết quả thống kê về mặt số liệu có thể không lệch nhau nhiều. Tuy nhiên, việc xếp hạng các đại học lúc nào cũng nên cần thiết, vì đây là một kênh tham khảo rất bổ ích cho chính các đại học, sau đó là phụ huynh, học sinh và cả xã hội.

Thực tế cho thấy rất khó để có một bảng xếp hạng đại học toàn diện, theo nghĩa có thể vừa lòng tất cả cộng đồng. Do đó, việc tranh cãi hay những ý kiến trái chiều xung quanh các bảng xếp hạng đại học là tất yếu. Tuy nhiên, sẽ hữu ích hơn nếu có những ý kiến đóng góp thiết thực để làm cho các bảng xếp hạng đại học tốt hơn và những chuyên gia chủ trì các bảng xếp hạng đại học cũng nên mở lòng theo hướng tiếp tục phát huy điểm mạnh và cải tiến những điểm chưa phù hợp để những kết quả xếp hạng tiếp theo sẽ ngày càng tối ưu hơn.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.