BÀI 1: Luồng gió mới
Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 3, cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 với quyết tâm đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục. Bên cạnh những thuận lợi, ngành GD-ĐT tỉnh nhà vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với những “nút thắt” cần tháo gỡ trong triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Phát huy năng lực cốt lõi của người học, thay đổi tư duy quản trị trường học, giáo viên (GV) chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy… là những điểm nhấn tích cực của Chương trình GDPT năm 2018 sau hơn 3 năm học triển khai thực hiện. Với tầm quan trọng đó, tại nhiều cuộc họp, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương đã khẳng định đây là hướng đi đúng đắn, tích cực cho quá trình đổi mới giáo dục.
NHIỀU ĐIỂM MỚI
Năm học 2022 - 2023 là năm học thứ 3 ngành GD-ĐT triển khai thực hiện “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”. Chương trình GDPT năm 2018 được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021 - 2022; lớp 3, 7 và 10 năm học 2022 - 2023. Chương trình GDPT năm 2018 không những khắc phục những hạn chế, bất cập, mà còn kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình GDPT năm 2006.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho thích thú với hoạt động trải nghiệm đua xe mô hình bằng năng lượng pin mặt trời do các thầy cô Tổ Vật lý của trường tổ chức. |
Đánh giá sau thời gian triển khai Chương trình GDPT năm 2018, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho rằng, Chương trình GDPT năm 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực học sinh thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. So với chương trình cũ, Chương trình GDPT mới phân biệt rõ 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Bên cạnh đó, nếu như trong Chương trình GDPT năm 2006 chưa có tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học thì Chương trình GDPT năm 2018 đã khắc phục những hạn chế này. Ngoài ra, Chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Thị Loan, Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang), một trong những điểm căn bản là so với Chương trình GDPT trước đây thì Chương trình GDPT mới đã giảm được số lượng môn học và số tiết nhất định. Cụ thể đối với bậc THCS và THPT nếu như trước đây học 16 - 17 môn thì hiện tại chỉ còn 12 môn học. Về số lượng tiết học, ở bậc THCS, học sinh học 3.070 giờ (trước đây 3.121 giờ); bậc THPT học sinh học 2.284 giờ (trước đây khoảng 2.600 giờ). Chính sự giảm tải này làm cho mỗi chương, mỗi bài học bớt nặng nề, áp lực hơn so với chương trình GDPT cũ trước đây.
ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những mục tiêu quan trọng mà chương trình GDPT năm 2018 hướng đến đối với GV. Thực tế hơn 3 năm học qua cho thấy, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng tiếp cận, phát huy phẩm chất, năng lực học sinh, chính vì vậy, GV cần phải thay đổi phương pháp dạy học. Cô Trần Thị Thanh Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, cho biết, để thực hiện Chương trình GDPT mới, các GV đều phải tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn phương pháp giảng dạy mới. “GV lúc này đóng vai trò như một người hướng dẫn, gợi mở các vấn đề để học sinh tự tìm hiểu, nêu quan điểm và tranh luận để đi đến thống nhất về bài học; sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh” và phương pháp đọc chép hầu như bị triệt tiêu. Điều này khác hẳn với việc truyền thụ kiến thức một chiều của Chương trình GDPT cũ trước đây” - cô Tuyền phân tích.
Sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Yêu thương - Hạnh phúc” của Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công. |
Từ thực tế giảng dạy, nhiều GV cho rằng, việc đổi mới phương pháp dạy học cần được thực hiện trên cơ sở phân hóa đối tượng, các căn cứ về điều kiện, năng lực và phẩm chất cần phát triển ở học sinh để từ đó lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Trong đó, một trong các vấn đề cốt lõi của việc đổi mới phương pháp dạy học được nhiều GV áp dụng là tăng cường hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình… Cô Trương Thị Châu Minh, GV Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Giảng dạy theo phương pháp dạy học mới này, đòi hỏi học sinh phải chuẩn bị kỹ bài ở nhà theo các hướng mở khác nhau. GV cũng phải nghiên cứu, tìm đọc tài liệu đa dạng hơn để có thể giải đáp các thắc mắc phong phú của học sinh. Nếu không có sự chuẩn bị tỉ mỉ thì hiệu quả chắc chắn sẽ không như mong đợi”.
HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH
Những ngày đầu tháng 3, sân Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho tấp nập học sinh rộn rã tiếng cười, thích thú với hoạt động trải nghiệm đua xe mô hình bằng năng lượng pin mặt trời. Nói về ý tưởng này, thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, dạy học theo hướng phát huy năng lực học sinh là một trong những mục tiêu của Chương trình GDPT năm 2018 hướng đến. Ở mỗi môn học, bên cạnh những kiến thức lý thuyết, nhà trường luôn hướng các em đến với các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, áp dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống. Tháng 3 là tháng chuyên môn Vật lý của trường, chính vì vậy, nhà trường họp Tổ Vật lý để tổ chức cho các em hoạt động đua xe mô hình bằng pin năng lượng mặt trời và hoạt động này sẽ được trình diễn tại Ngày hội kỷ niệm 144 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
Đang loay hoay chuẩn bị các thiết bị hướng dẫn học sinh thực hiện đua xe mô hình bằng năng lượng pin mặt trời, thầy Trương Đức Tuấn chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với bộ môn Vật lý hơn 35 năm, việc thực hiện Chương trình GDPT mới có nhiều cái hay nhưng cần sự nỗ lực lớn của GV và học sinh. Để hình thành được một sản phẩm xe năng lượng là cả quá trình nghiên cứu, mày mò của thầy và trò từ việc lên ý tưởng thiết kế, tìm kiếm, lựa chọn thiết bị và vận dụng kiến thức sao cho mô hình vận hành… phải mất nhiều thời gian, công sức. Qua hoạt động này, bên cạnh tạo sân chơi, còn giúp học sinh nắm vững kiến thức Vật lý, có thể ứng dụng trong cuộc sống”.
Chia sẻ cảm xúc khi tham gia đua xe mô hình bằng năng lượng pin mặt trời, em Nguyễn Hoàng Kim Ngân, học sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Hoạt động đua xe mô hình bằng pin năng lượng mặt trời rất thú vị, nó giúp chúng em hình thành kỹ năng làm việc nhóm và nắm sâu kiến thức về chuyển hóa năng lượng cũng như sử dụng các loại năng lượng sạch trong cuộc sống”.
Còn tại Trường THPT Trương Định, TX. Gò Công cũng có nhiều ý tưởng, sáng tạo khi thực hiện Chương trình GDPT năm 20218. Cô Hà Thanh Thiên Trang, Phó hiệu Trưởng nhà trường chia sẻ: “Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên nhà trường thực hiện hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp theo Chương trình GDPT mới cho học sinh khối 10. Khác với Chương trình GDPT cũ, hoạt động trải nghiệm là hoạt động ngoài giờ lên lớp thì nay trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc do nhà trường định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện với thời lượng 105 tiết/năm (3 tiết/tuần). Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các tiết học trải nghiệm làm cho học sinh vô cùng thích thú. Chẳng hạn trong tháng 2 vừa qua, hoạt động trải nghiệm của khối 10 là kiểm tra an toàn giao thông tại các nhà xe trong trường, còn tháng 3 này, học sinh trường sẽ phối hợp với Thị đoàn Gò Công và các Xã đoàn thực hiện nhặt rác, dọn dẹp vệ sinh đường phố... Thông qua các hoạt động này góp phần nâng cao ý thức, hình thành kỹ năng sống cho học sinh”.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, mặc dù Chương trình GDPT năm 2018 có nhiều môn học mới nhưng tùy vào điều kiện thực tế và đặc thù của từng cấp học, bậc học, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt, sáng tạo với nhiều phương pháp gắn lý thuyết với thực hành, mỗi giờ học không còn lý thuyết khô khan, mà đã trở nên sinh động, tạo hứng thú cho học sinh. Từ thực tiễn cho thấy, Chương trình GDPT năm 2018 có nhiều điểm nhấn tích cực. Song, quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.
GIA TUỆ - ĐĂNG NGUYÊN
(còn tiếp)