Thứ Năm, 16/03/2023, 09:27 (GMT+7)
.
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG NĂM 2018: Những "nút thắt" cần tháo gỡ

BÀI 2: Nhận diện khó khăn

BÀI 1: Luồng gió mới

Giống như nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên (GV) và những khó khăn về cơ sở vật chất tồn tại nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm. Đến nay, khi thực hiện Chương trình GDPT mới thì những khó khăn này lại tiếp tục diễn ra đối với ngành Giáo dục.

THIẾU GIÁO VIÊN

Qua khảo sát thực tế tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, các đơn vị trường học đều “căng não” với áp lực thiếu GV để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Huyện Châu Thành là địa bàn lớn của tỉnh Tiền Giang với 62 cơ sở giáo dục nhưng nhiều năm liền không tuyển đủ GV. Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, đầu năm học 2022 - 2023, huyện cần tuyển 79 chỉ tiêu GV tiểu học và 34 chỉ tiêu GV THCS. Trong đó, đáng chú ý ở bậc tiểu học cần tuyển 55 GV dạy lớp và bậc THCS thiếu nhiều nhất ở bộ môn Ngữ văn với 12 GV…

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát tình hình cơ sở vật chất Trường THCS Thái Văn Nam, huyện Gò Công Đông.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát tình hình cơ sở vật chất Trường THCS Thái Văn Nam, huyện Gò Công Đông.

Tại Trường THCS Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) cũng đang trong tình trạng thiếu GV. Đầu năm học 2022 - 2023, trường cần tuyển 4 biên chế để bổ sung vào tổng chỉ tiêu 36 biên chế ở các môn Ngữ văn, Sinh học, Địa lý và Giáo dục công dân. Tuy nhiên, những năm qua, hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Tân Phước, toàn ngành Giáo dục huyện có 677 cán bộ, GV đang công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục huyện Tân Phước cần tuyển 18 biên chế tiểu học và 10 biên chế THCS.

Còn theo Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Hứa Văn Sáu, tính đến tháng 12-2022, huyện Cai Lậy có tổng số GV tiểu học và THCS là 1.251 GV. Trong đó, 704 GV tiểu học; 547 GV THCS.  Số GV thiếu ở bậc tiểu học và THCS là 85 (tiểu học 45 GV; THCS 40 GV).

Hay tại Trường Tiểu học Bình Xuân 1, TX. Gò Công, lãnh đạo nhà trường cho biết, toàn trường có 33 cán bộ, GV, trong đó  29 GV trực tiếp giảng dạy; hiện thiếu 9 GV, chiếm gần 25% GV nhà trường. 5 năm qua, nhà trường không tuyển được GV hoặc nếu có tuyển được thì số GV này cũng làm một thời gian ngắn rồi bỏ đi tìm việc khác do lương quá thấp không đủ sống. Trong khi khối lớp 2 và lớp 3 dạy 2 buổi/ngày rất cần GV nhưng không đủ GV để bố trí nên nhà trường rất đau đầu trong giải quyết tình trạng thiếu GV. Không chỉ Trường Tiểu học Bình Xuân 1 thiếu GV mà tình trạng này cũng đang diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TX. Gò Công.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT các địa phương của tỉnh Tiền Giang, chưa có thời điểm nào mà số lượng biên chế giao cho ngành Giáo dục lại cao như hiện nay, nhưng nhiều năm qua, hồ sơ ứng tuyển ít dẫn đến việc tuyển dụng GV rất khó khăn. Hiện nay, nhiều trường THCS có các môn không có GV dạy, phải thỉnh giảng, như: Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ… Đáng chú ý là hiện do nhiều trường chưa có GV giảng dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên chưa tổ chức được tổ hợp môn lựa chọn cho học sinh có năng khiếu thật sự về lĩnh vực này...

Theo thống kê của kỳ tuyển dụng GV mới nhất, số lượng GV trúng tuyển ở huyện Châu Thành chỉ có 14/55 chỉ tiêu GV tiểu học dạy lớp; 8/34 chỉ tiêu THCS; huyện Tân Phước 2/18 chỉ tiêu tiểu học, 4/10 chỉ tiêu THCS; huyện Chợ Gạo 6/7 chỉ tiêu tiểu học, 1/11 chỉ tiêu THCS… Hiện toàn ngành GĐ-ĐT tỉnh Tiền Giang có 19.139 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 16.865 GV và 2.274 nhân viên. Tính đến hết năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh hiện thiếu 285 GV tiểu học; 288 GV THCS và 447 GV THPT.

Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, tình trạng thiếu GV hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương Đảng về tinh giản biên chế, đội ngũ GV toàn tỉnh lại tiếp tục giảm 10% nên dẫn đến thiếu GV. Một nguyên nhân khác khiến tình trạng thiếu GV, đó là do số học sinh cơ học tăng quá nhanh, đặc biệt năm 2019, số học sinh lớp 1 tăng đột biến, điều này ảnh hưởng đến đội ngũ GV.

Mặt khác, việc cơ cấu GV chưa hợp lý làm xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn. Trong đó, xu hướng hiện nay là thiếu nhiều GV ở các môn học của Chương trình GDPT năm 2018 như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục công dân… Trong khi đó, việc tuyển dụng GV ở bậc trung học theo quy chế tuyển dụng còn khá khắt khe.

“Trước đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Cao đẳng sư phạm ra trường thất nghiệp, phải đi làm công nhân. Còn hiện nay, cần nguồn tuyển dụng thì yêu cầu tuyển dụng phải là trình độ đại học, trong khi số lượng dư thừa trước đó chủ yếu ở trình độ cao đẳng. Bên cạnh đó, chưa có chế độ ưu đãi nào nên cũng rất khó lôi cuốn họ trở lại với nghề giáo” - một Hiệu trưởng bậc THCS ở huyện Châu Thành lý giải.

KHÓ KHĂN VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Khó khăn tiếp theo của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh là phải thực hiện Chương trình GDPT mới trong điều kiện cơ sở vật chất (CSVC) thiếu thốn, trong khi yêu cầu của Chương trình GDPT mới thành hay bại phụ thuộc rất lớn vào yếu tố CSVC. Qua khảo sát thực tế ở nhiều trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy, nhiều trường học còn thiếu phòng học, phòng chức năng. CSVC ở một số trường học được xây dựng lâu năm đã xuống cấp chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, thiếu diện tích đất để xây dựng phòng học mới. Trang thiết bị dạy học chưa được trang bị một cách đồng bộ, số lượng máy tính phòng học tin học chưa đảm bảo đầy đủ để triển khai Chương trình GDPT mới.

Tại Trường THCS và THPT Long Bình, huyện Gò Công Tây, nhà trường còn thiếu các phòng học bộ môn, như: Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp. Mặt khác, nhà trường chưa đáp ứng đủ phòng học để thực hiện dạy và học 2 buổi/ngày.

Hay tại trường THPT Trương Định, TX. Gò Công, thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do trường xây dựng qua nhiều giai đoạn nên các khối phòng học, phòng bộ môn và phòng làm việc không đồng bộ; trong đó, dãy phòng học B và D có diện tích quá nhỏ không còn thích hợp với quy chuẩn hiện nay. Trường đang thiếu các phòng bộ môn: Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, và phòng chức năng theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn CSVC các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và THPT có  nhiều cấp học.

Còn tại Trường Tiểu học Tam Hiệp, huyện Châu Thành, cũng trong tình trạng chưa đủ phòng bộ môn theo quy định tại Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT. Đến nay, nhà trường chỉ mới được đầu tư trang thiết bị dạy học cho khối lớp 1, hiện tại khối lớp 2 và lớp 3 vẫn chưa được đầu tư thiết bị dạy học gây khó khăn cho GV trong việc thực hiện Chương trình GDPT mới.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, tính hết năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh ở bậc tiểu học hiện có 343.664 bộ thiết bị dạy học, cần bổ sung thêm 59.786 bộ thiết bị; bậc THCS có 556.321 bộ thiết bị dạy học, cần bổ sung 105.968 bộ thiết bị và bậc THPT có 27.650 bộ thiết bị dạy học, cần bổ sung 3.232 bộ thiết bị. Không chỉ khó khăn về thiếu GV, CSVC mà khi thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 còn phát sinh nhiều thách thức mới cho ngành Giáo dục.

Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã dành nguồn kinh phí rất lớn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Hằng năm, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh lập dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 theo quy định của Bộ GD-ĐT. 100% các trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu dành cho khối lớp 1 với tổng kinh phí 117 tỷ đồng.

Với các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn của địa phương và nguồn vốn huy động khác, tỉnh đã trang bị 313 phòng máy vi tính, với số lượng 7.428 máy vi tính, 313 máy in và các thiết bị nối mạng cho phòng máy; 2.409 máy chiếu kết nối với máy vi tính được lắp đặt cố định tại các phòng học, phòng học bộ môn cho các trường mầm non, phổ thông.

Từ năm 2015 đến 2022, ngành Giáo dục đã chi tổng kinh phí 28.957 tỷ đồng (ngân sách trung ương 73 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.884 tỷ đồng); trong đó chi thường xuyên 20.563 tỷ đồng; chi đầu tư 5.596 tỷ đồng.

 

GIA TUỆ - ĐĂNG NGUYÊN
(còn tiếp)

 

.
.
.