Giáo viên cần xác định góc nhìn đúng về ChatGPT
Sáng 10-3, tại Tọa đàm "Al, ChatGPT đối với việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay" do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, ThS. Sầm Vĩnh Lộc, giảng viên Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Sư phạm TPHCM thông tin, quan điểm của công chúng đối với ChatGPT hiện nay rất đa dạng. Trong đó, khoảng 5% ý kiến khảo sát bày tỏ cảm xúc tích cực so với 2,5% ý kiến có cảm xúc tiêu cực, 92,5% ý kiến còn lại có đánh giá "trung dung" về ChatGPT trong giáo dục.
Ngoài ra, các kết quả khảo sát cho thấy việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục là tất yếu, song cần xem xét cẩn trọng vấn đề về đạo đức khi sử dụng và quan tâm yêu cầu về bảo mật thông tin.
Nhìn trên bình diện học sinh, việc sử dụng ChatGPT trong bối cảnh hiện nay hết sức mong manh giữa hỗ trợ học tập và lạm dụng để hoàn thành các bài tập, nhiệm vụ được giao.
"Nếu các em không được hướng dẫn sử dụng, tăng cường trải nghiệm để có cái nhìn toàn diện về những điểm tích cực cũng như tiêu cực mà ChatGPT mang lại sẽ có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng ChatGPT trong học tập và mang lại các kết quả khó lường, trong đó có việc hạn chế phát triển các năng lực đặc thù, kỹ năng, phẩm chất mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 kỳ vọng mang lại như tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng phản biện...", ThS. Sầm Vĩnh Lộc cho biết.
Giảng viên này bày tỏ ý kiến, các nhà trường có thể ngăn cấm việc sử dụng ChatGPT bằng các hàng rào kỹ thuật như một số quốc gia trên thế giới đã làm, tuy nhiên nếu học sinh chưa được trang bị ý thức, thái độ đúng đắn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là tận dụng lợi thế của ChatGPT thì việc quản lý sử dụng nền tảng này trong các hoạt động ngoài giờ học chính khóa là không thể thực hiện.
Các chuyên gia tâm lý và nhà nghiên cứu giáo dục tham gia nhiều ý kiến về sử dụng ChatGPT trong trường học |
Đồng quan điểm, TS. Bùi Hồng Quân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, không thể phủ nhận các tiện ích mà ChatGPT mang lại cho việc dạy học như giúp việc tìm hiểu kiến thức nhanh hơn, tiện dụng hơn, mở rộng không gian và thời gian học tập, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức đối với cả người dạy lẫn người học.
Tuy nhiên, rất nhiều lo ngại được đặt ra là liệu học sinh có bị thui chột khả năng sáng tạo và kỹ năng thiết lập các mối quan hệ xã hội hay không? Giáo viên có dần bị thay thế vai trò của mình hay không?
Nhà giáo này nêu quan điểm: "Ứng dụng cung cấp thông tin nhưng không chịu trách nhiệm về độ chính xác, vì vậy nếu người sử dụng phụ thuộc vào đó có thể dẫn đến nguy cơ nhận thức bị sai lệch".
Từ đó, các chuyên gia đều nhất trí với ý kiến cho rằng người thầy cần trang bị cho học sinh kỹ năng sử dụng có trách nhiệm. Bản thân thầy, cô giáo phải xác định rõ quan điểm là "chung sống" và nghiên cứu cách sử dụng ứng dụng nói trên một cách hiệu quả, phục vụ các mục tiêu cụ thể trong giáo dục
Song song đó, các nhà trường quan tâm đến việc xây dựng hàng rào pháp lý để quản lý chặt chẽ việc sử dụng ChatGPT trong các hoạt động của giáo dục.
Ở góc độ đào tạo giáo viên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM khẳng định, trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều phiên bản ứng dụng nâng cấp khác ra đời.
GS.TS Huỳnh Văn Sơn trao đổi tại tọa đàm |
"Các thầy, cô giáo có quyền trăn trở nhưng không phải vì vậy mà buông lơi vị trí của mình. Thay vào đó, cần xác định rõ các ứng dụng công nghệ không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người thầy trong giáo dục và đào tạo con người", GS.TS Huỳnh Văn Sơn bày tỏ.
Trong đó, song song với việc bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ giáo viên hiện có, các đơn vị đào tạo sư phạm sẽ quan tâm hơn đến việc tích hợp, lồng ghép kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo sinh viên các chuyên ngành sư phạm để khi tốt nghiệp ra trường, các thầy giáo, cô giáo tương lai có đủ điều kiện, khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong dạy học.
Theo sggp.org.vn