.

Chọn phương thức xét tuyển để tăng cơ hội đỗ đại học

Cập nhật: 15:08, 09/04/2023 (GMT+7)

Gần 200 trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh 2023, bên cạnh một số phương thức truyền thống, việc xét tuyển kết hợp hay nhiều kỳ thi riêng khiến thí sinh không khỏi choáng ngợp. Đại diện một số trường đại học đã đưa ra những lời khuyên với thí sinh về việc lựa chọn phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thí sinh dự kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Thí sinh dự kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Có bao nhiêu phương thức?

Năm 2023, các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, trong đó, chủ yếu là các phương thức: Xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển thẳng, xét học bạ THPT và các kỳ thi riêng.

Việc có nhiều phương thức tuyển sinh được xem là một trong những lợi thế giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành học, ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, sự đa dạng các phương thức xét tuyển lại khiến các em học sinh bối rối trong việc lựa chọn.

Với phương thức xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT là cách chọn ra những thí sinh phù hợp với tiêu chí của nhà trường. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6, thí sinh phải dự thi 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ, đồng thời chọn một trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên.  

Phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ là xét tuyển bằng điểm trong quá trình học tập bậc THPT. Cách thức này cũng theo từng trường như: Xét tuyển điểm trung bình học bạ 3 năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12; xét tuyển điểm trung bình theo tổ hợp môn lớp 10, lớp 11 và lớp 12; xét tuyển điểm trung bình học bạ 5 kỳ lớp 10, lớp 11 và kỳ 1 lớp 12...

Điều kiện xét tuyển học bạ: Công tác xét tuyển đảm bảo quy chế tuyển sinh phù hợp và có chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Thi tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực được nhiều trường áp dụng và tăng về số lượng trong năm 2023. Tính tới nay có 10 đơn vị tổ chức kỳ thi riêng. Ví dụ như Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh…

Để thi tuyển bằng hình thức này, các thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi cần chú ý đến thời gian và phương án tuyển sinh do nhà trường tổ chức.

Nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển ưu tiên. Cụ thể, những đối tượng thí sinh này được quy định tại Điều 8 của Quy chế tuyển sinh như: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT; học sinh đạt giải Olympic quốc tế; học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia...  

Ngoài ra, nhiều trường đại học mở rộng diện ưu tiên xét tuyển của trường đến các học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố hoặc học sinh có các chứng chỉ quốc tế như SAT, A-Level, IELTS...

Làm thế nào để lựa chọn đúng?

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, một số trường đại học đã giảm phương thức tuyển sinh, giúp các em dễ dàng hơn trong việc lựa chọn phương thức đúng với lợi thế của mình.

Trường Đại học Phenikaa là một ví dụ. Năm nay, nhà trường giảm chỉ còn 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng theo đề án của trường; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ.

GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: “Trường không xét tuyển tài năng, cũng như xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội vì không muốn làm phức tạp thêm phương thức tuyển sinh. Nếu thí sinh có lựa chọn theo những phương thức xét tuyển này hãy chú ý tới tỷ lệ giữa các ngành học. Tỷ lệ này sẽ có sự khác biệt giữa các trường đại học. Tôi khuyên các em lựa chọn tổ hợp nào có nhiều tỷ lệ hơn thì cơ hội trúng tuyển tốt hơn".  

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, đa dạng phương thức xét tuyển giúp thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Với nhiều công cụ xét tuyển khiến ban đầu thí sinh có thể hơi khó khăn trong việc phân tích những công cụ nào phù hợp với mình. Tuy nhiên, nếu thí sinh có đủ thời gian để phân tích, những công cụ đó sẽ thêm cơ hội cho thí sinh.

PGS. TS Vũ Thị Hiền lấy dẫn chứng về phương thức truyền thống như kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu thí sinh có được kết quả tốt, không cần thiết sử dụng đến công cụ khác, vẫn thực hiện được ước mơ vào đại học của mình. Tuy nhiên, nếu thí sinh muốn vào những ngành, chương trình đặc thù, các em có thể tích luỹ thêm các công cụ khác như: Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ năng lực quốc tế… hay kết quả kỳ thi riêng. Điều đó tăng thêm cơ hội đỗ cho thí sinh.  

Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết: “Đa dạng phương thức xét tuyển là tạo ra nhiều lựa chọn khác nhau cho thí sinh. Chẳng hạn, với những em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, một số trường đại học chấp nhận chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của Việt Nam là cơ hội tốt để các em tham gia xét tuyển kết hợp và được xác định trúng tuyển sớm có điều kiện. Các em biết kết quả sớm với bài thi năng lực ngoại ngữ, bài thi tư duy, bài thi đánh giá năng lực... có điều kiện là đỗ tốt nghiệp THPT. Sau đó, các trường vẫn dành một tỷ lệ tương đối nhiều cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, một lần nữa các em có quyền dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển".

Để có những thông tin chuẩn xác, TS. Nguyễn Thị Cúc Phương khuyên thí sinh nên tham dự những buổi tư vấn có quy mô do Bộ GD&ĐT phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức, hay các buổi tư vấn tại trường THPT... Hoặc những buổi tư vấn tuyển sinh từ phía các trường đại học trên trang web chính thức hay trang facebook.

(Theo https://baotintuc.vn/giao-duc/chon-phuong-thuc-xet-tuyen-de-tang-co-hoi-do-dai-hoc-20230409003518952.htm)

.
.
.