.

Dự kiến tăng học phí từ năm học 2023-2024

Cập nhật: 21:43, 25/04/2023 (GMT+7)

Ngày 25-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân.

Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí từ năm học 2023-2024.
Bộ GD-ĐT đề xuất tăng học phí từ năm học 2023-2024.

Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) đã trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT.

Theo đó, ngày 27-8-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81 để áp dụng từ năm học 2022-2023. Cụ thể, từ năm học 2022-2023, học phí của cơ sở giáo dục công lập tăng theo lộ trình hàng năm. Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên thực hiện theo khung học phí (mức trần, mức sàn) theo lộ trình điều chỉnh không quá 7,5%/năm từ năm học 2022-2023 để bù đắp độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng và dự kiến cơ bản tính đủ chi phí vào năm 2030.

Với các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, thực hiện theo khung học phí từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, lộ trình điều chỉnh không quá 12,5%/năm từ năm học 2026-2027. Việc này do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định, căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của cả nước và các chỉ số lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Tuy nhiên, từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tác động toàn diện đến nền kinh tế nước ta, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh thì Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 ngày 20-12-2022 về giữ nguyên mức học phí các cơ sở giáo dục công lập qua 3 năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023.

Dự kiến mức trần học phí năm học 2023-2024.
Dự kiến mức trần học phí năm học 2023-2024.

Theo phản ánh của các cơ sở giáo dục, việc giữ ổn định học phí đã gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hàng năm, đặc biệt là với các trường đại học công lập, nguồn thu học phí chiếm tỷ trọng trên 80% tổng nguồn thu của trường. Vì thế, nhu cầu được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ là cần thiết để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng chất lượng giáo dục.

Trên cơ sở thực tế, Bộ GD-ĐT đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định 81 của Chính phủ (tức là dự kiến áp dụng từ năm học 2023-2024 (PV)). Đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, Bộ GD-ĐT đề xuất không quy định mức sàn học phí vì hiện nay có nhiều địa phương thuộc vùng địa bàn khó khăn (Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Kiên Giang...) đang quy định thấp hơn mức sàn tại Nghị định 81.

Tại hội thảo, các ý kiến cơ bản tán thành với phương án của Bộ GD-ĐT là lùi lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81 sau 1 năm. Đáng chú ý, Hà Nội đề xuất Bộ GD-ĐT cần sớm hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành để kịp áp dụng trong năm học 2023-2024 tới đây. Bởi nếu chậm, tháng 7 tới sẽ họp HĐND thành phố để quyết định mức học phí với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thì sẽ vẫn áp dụng theo các văn bản chỉ đạo cũ.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đề xuất lùi thời hạn 1 năm để tăng học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ để phù hợp với thực tế. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giao Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT làm đầu mối tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các bộ, ngành, đơn vị để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét để trình Chính phủ trong thời gian tới. Thứ trưởng cũng cho rằng, những ngành đào tạo cần nguồn lực lớn về tài chính thì cần tính toán kỹ, đảm bảo hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Theo dự thảo nghị định mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023-2024 bằng mức trần năm học 2022-2023 quy định tại Nghị định 81. Cụ thể, ở khu vực thành thị, học phí mầm non, tiểu học là 540.000 đồng/tháng; THCS, THPT 650.000 đồng/tháng. Ở khu vực nông thôn, học phí mầm non, tiểu học là 220.000 đồng/tháng; THCS là 270.000 đồng/tháng; THPT là 330.000 đồng/tháng. Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, học phí mầm non, tiểu học là 110.000 đồng/tháng; THCS là 170.000 đồng/tháng; THPT là 220.000 đồng/tháng.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.