Thứ Tư, 05/04/2023, 15:09 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Gỡ khó tuyển sinh cho các trường nghề

Cùng với các trường đại học trên cả nước, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chính thức bước vào mùa tuyển sinh năm 2023.

Những năm qua, chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có những chuyển biến tích cực, số lượng học sinh theo học ở các trường nghề ngày càng tăng, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề vẫn còn không ít khó khăn, bất cập.

NHIỀU TÍN HIỆU KHẢ QUAN

Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tuyển 10.641 học sinh, sinh viên, học viên các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52,5%. Các trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh đã tuyển 2.815 học sinh trung cấp, cao đẳng đạt 91,69% kế hoạch năm, trong đó có 1.972 học sinh trung cấp, đạt 96,9%; 843 sinh viên, đạt 81% kế hoạch. Có 2 trường vượt chỉ tiêu so với kế hoạch là Trường Trung cấp Kỹ Thuật - Nghiệp vụ Cái Bè đạt 121,5% và Trường Trung cấp Cai Lậy đạt 140,8%.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết, nhìn chung công tác tuyển sinh năm 2022 của trường cơ bản đạt được chỉ tiêu đề ra. Trường tuyển được 13/15 nghề trình độ trung cấp, 9/13 nghề trình độ cao đẳng và 1/7 nghề trình độ cao đẳng liên thông, với tổng cộng 1.163 học sinh, sinh viên nhập học, đạt tỷ lệ 87,1%.

Chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng lên. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp Gò Công).
Chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng lên. (Ảnh chụp tại Trường Trung cấp Gò Công, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang).

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang, để có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề là nhờ sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các sở, ngành, địa phương, các trường và phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó là sự quan tâm đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2022, Tiền Giang được Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ đào tạo cho người lao động trên địa bàn tỉnh 5,523 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ đầu tư thiết bị đào tạo cho 7 nghề với kinh phí 6,18 tỷ đồng. Đặc biệt, Trường Trung cấp Gò Công và Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Bên cạnh những thuận lợi, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn gặp không ít khó khăn. Trong đó phải kể đến như việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, việc phân luồng học sinh sau THCS chưa hợp lý, tỷ lệ vào lớp 10 chiếm khoảng 80% dẫn đến nguồn tuyển sinh trung cấp bị hạn hẹp.

Bên cạnh đó, phương thức tuyển sinh vào đại học đa dạng, các trường mở rộng chỉ tiêu, việc xét học bạ THPT, thời gian tuyển sinh kéo dài trong năm nên nguồn tuyển học sinh tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng hạn chế, dẫn đến công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Tâm lý khoa bảng còn ảnh hưởng khá nặng nề, phụ huynh ít muốn con mình học nghề nghiệp ở lứa tuổi 15.

Một khó khăn lớn không kém hiện nay là công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT còn hạn chế, thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và am hiểu thực tế ngành nghề của xã hội.

Trong năm 2023, các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tuyển sinh đào tạo 11.490 học sinh, sinh viên và học viên; trong đó có 2.790 trình độ trung cấp, cao đẳng (970 sinh viên cao đẳng và 1.820 học sinh trung cấp) và 8.700 học viên trình độ sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó hỗ trợ đào tạo 4.000 lao động. Ngoài ra, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ (trực thuộc Trung ương) tuyển sinh đào tạo 750 trình độ cao đẳng, trung cấp (gồm 250 sinh viên cao đẳng và 500 học sinh trung cấp) và 800 sơ cấp dưới 3 tháng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 54%.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang Huỳnh Anh Tuấn, để nâng chất công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức như tổ chức các ngày hội tư vấn tại các khu vực trong tỉnh; phát tài liệu, đăng phát thông tin về giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng để phụ huynh, học sinh và người lao động nắm được nhu cầu sử dụng lao động về trình độ, ngành nghề trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Từ đó, học sinh, người lao động lựa chọn ngành nghề và trình độ đào tạo để tham gia học nghề theo điều kiện của bản thân nhằm tìm được việc làm, thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số, phát triển chương trình, nội dung đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số. Quan tâm đào tạo, phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học; chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.

Vấn đề cần quan tâm nữa là ngành Giáo dục và Đào tạo cần chú ý cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với học sinh không trúng tuyển lớp 10 và học sinh THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

ĐỖ PHI

.
.
.