Thứ Hai, 15/05/2023, 09:40 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Quyết tâm cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng

Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đang tất bật chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 được ngành GD-ĐT tỉnh tập trung thực hiện với quyết tâm nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

QUAN TÂM HỌC SINH YẾU, KÉM

Theo đánh giá của Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành GD-ĐT, nên tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang tăng dần qua các năm. Năm 2022, mặc dù chịu nhiều tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của thí sinh Tiền Giang đạt 6,554 điểm, xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành toàn quốc, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang là 1 trong 10 địa phương có điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh cao nhất cả nước, với điểm trung bình 19,06 điểm. Bên cạnh đó, Tiền Giang là địa phương xếp thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT theo học ở các cơ sở giáo dục đại học.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong giờ ôn thi.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong giờ ôn thi.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đang tập trung các giải pháp trong việc giảng dạy, ôn tập cho học sinh lớp 12 để có thể đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Trong đó, toàn ngành đặc biệt quan tâm đến công tác phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém.

Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết, một trong những giải pháp phát huy hiệu quả trong những năm qua là chú trọng quan tâm bồi dưỡng học sinh yếu, kém để nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, ngay thời gian đầu học kỳ II, ngành GD-ĐT yêu cầu các trường THPT tổ chức rà soát và lập danh sách học sinh khối 12 năm học 2022 - 2023 của trường có học lực xếp loại yếu, kém có nguy cơ không đậu tốt nghiệp THPT để xây dựng kế hoạch phân công giáo viên phụ trách, tổ chức lớp phụ đạo cho các em.

“Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục cụ thể. Các trường phụ đạo học sinh yếu, kém không phải là để chạy theo thành tích, mà đó là cách giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em có được một tương lai tốt đẹp hơn”, Tiến sĩ Lê Quang Trí nói.

Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, ngành GD-ĐT đã giao cho 44 cơ sở giáo dục THPT gồm các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chỉ tiêu tốt nghiệp THPT năm 2023, cụ thể gồm có 31 đơn vị đạt tỷ lệ 100%; 11 đơn vị còn lại đạt từ 90% đến 99%.

TẬP TRUNG ÔN TẬP

Ngay sau kết thúc kiểm tra học kỳ II, học sinh lớp 12 THPT đã chính thức ôn thi. Theo nhiều trường THPT, tùy vào đặc trưng của từng bộ môn sẽ có 2 giai đoạn quan trọng trong công tác ôn thi gồm ôn kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Cô Trần Thị Mỹ Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) cho biết, nhà trường có trên 509 học sinh lớp 12, qua rà soát có 32 học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện tại các công đoạn như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh… đang được ngành GD-ĐT tỉnh triển khai tích cực. Các trường cần quyết tâm, tăng cường các giải pháp ôn tập cho học sinh, đặc biệt là trong giai đoạn nước rút.

“Trong quá trình ôn tập, nhà trường luôn quan tâm từng đối tượng học sinh. Với học sinh có học lực khá, giỏi, ngoài kiến thức dạy trên lớp, các em còn được hướng dẫn tự ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài. Riêng học sinh trung bình, yếu, kém có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT, giáo viên sẽ quan tâm, hướng dẫn ôn tập kỹ lưỡng, phù hợp với năng lực, để giúp các em có thể đạt điểm trên trung bình ở các bài thi. Đặc biệt giáo viên bộ môn sẽ thông báo thường xuyên về tình hình phấn đấu, học tập của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp giáo dục và đảm bảo sĩ số học sinh trong suốt quá trình ôn thi”, cô Linh cho biết thêm.

Còn với Trường THPT Tư thục Ấp Bắc cũng đang trong quá trình ôn tập cho học sinh lớp 12. Nhà trường đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình ôn tập với tổng thời lượng 34 tiết/tuần; trong đó Toán 10 tiết, Ngữ văn, Tiếng Anh mỗi môn 6 tiết/tuần, các môn còn lại 4 tiết/tuần. Hiệu trưởng Trường THPT Tư thục Ấp Bắc Lê Hoàng Giang cho biết: “Nhà trường phân loại cụ thể từng học sinh để có giải pháp ôn thi hiệu quả. Với học sinh học lực yếu, kém có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT sẽ tăng cường dò bài, hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp. Trong đó, nhà trường đề cao vai trò phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh, thường xuyên thông báo tình hình ôn tập cho học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đang được các trường tất bật thực hiện với nỗ lực nâng cao chất lượng kỳ thi này  trong năm nay.

ĐỖ PHI

.
.
.