Thứ Năm, 11/05/2023, 13:23 (GMT+7)
.

Trong 3 năm tới cần bổ sung 106.547 giáo viên

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), tính đến tháng 5-2023, cả nước còn thiếu 64.547 giáo viên phổ thông. Trong đó, bậc tiểu học thiếu nhiều nhất với 34.133 giáo viên, kế đến là bậc THCS thiếu 16.572 giáo viên và THPT thiếu 13.842 giáo viên.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 10-5, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, gần 200 cán bộ quản lý là lãnh đạo 63 sở GD-ĐT tỉnh, thành phố, hiệu trưởng các trường đại học có mã ngành đào tạo sư phạm trên cả nước đã tham gia Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), tính đến tháng 5-2023, cả nước còn thiếu 64.547 giáo viên phổ thông. Trong đó, bậc tiểu học thiếu nhiều nhất với 34.133 giáo viên, kế đến là bậc THCS thiếu 16.572 giáo viên và THPT thiếu 13.842 giáo viên. Từ nay đến năm 2026, tổng số giáo viên nghỉ hưu khoảng 12.000 người, hàng năm trung bình khoảng 10.000 giáo viên nghỉ việc.

Như vậy, trong 3 năm tới, cả nước cần bổ sung 106.547 giáo viên bao gồm tuyển mới và thay thế giáo viên nghỉ việc. Nhằm khắc phục khó khăn trong việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên, ngành GD-ĐT tiếp tục rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp thực tế các địa phương, kết hợp với việc đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm để có nguồn tuyển giáo viên các môn học mới, bố trí biên chế và hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về phía các trường đại học, việc mở các chuyên ngành đào tạo giáo viên dạy các môn học mới như tích hợp, nghệ thuật gặp nhiều khó khăn do khó thành lập hội đồng xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo, đảm bảo các điều kiện về chất lượng đào tạo. Cùng với đó, nguồn tuyển sinh viên hiện nay không nhiều, thời gian thu hút thí sinh dự thi ngắn. Nhiều địa phương thực hiện việc rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên còn chậm so với yêu cầu, kết quả rà soát thiếu chính xác dẫn đến khó khăn trong việc cân đối chỉ tiêu đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên cho từng ngành hoặc môn học ở các bậc học.

Từ thực tế đó, hàng loạt giải pháp đã được các địa phương đưa ra như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, thực hiện bồi dưỡng thường xuyên theo tinh thần “bồi dưỡng tại chỗ”; dự báo có hiệu quả tình trạng dôi dư, thiếu cục bộ giáo viên, xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên đối với từng trình độ, cấp học, ngành học trong từng giai đoạn cụ thể nhằm chủ động thực hiện đào tạo nâng chuẩn, đào tạo mới sinh viên sư phạm.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.