Chủ Nhật, 04/06/2023, 15:10 (GMT+7)
.

Đưa môn Văn vào để xét tuyển ngành Y cần bằng chứng khoa học

Việc 4 trong số 27 trường đại học đào tạo ngành Y khoa ở Việt Nam thông báo dùng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển đầu vào đến nay vẫn nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Năm học 2023-2024, các Trường Đại học: Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh), Võ Trường Toản (tỉnh Hậu Giang), Tân Tạo (tỉnh Long An) và Duy Tân (thành phố Đà Nẵng) đề xuất đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y gây nên nhiều băn khoăn trong xã hội. Bên cạnh những ý kiến văn học không thay thế được môn Hóa, môn Sinh trong kỳ thi vào trường y, thì có ý kiến cho rằng việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển đối với ngành Y khoa cũng có những yếu tố tích cực song ngành Y cần đưa ra những căn cứ khoa học và có quy trình bài bản.

Để thấu hiểu người bệnh hơn

Thực tế, Luật Giáo dục đại học cho phép các trường tự quyết định, chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Việc đưa môn Ngữ văn vào xét tuyển khối ngành Y là quyền của nhà trường. Tuy nhiên, sự xuất hiện của môn Văn đã tạo ra tổ hợp xét tuyển “lạ” bởi hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đều sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lý), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lý, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Toán, Hóa, Sinh, Lý là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe. Vì vậy, việc thay đổi tổ hợp hoặc thay đổi môn thi trong từng tổ hợp cần có sự cân nhắc, xem xét đầy đủ, toàn diện và có lộ trình cụ thể.

Kiến thức về khoa học tự nhiên đóng vai trò quan trọng đến khả năng tiếp thu kiến thức của ngành Y.
Kiến thức về khoa học tự nhiên đóng vai trò quan trọng đến khả năng tiếp thu kiến thức của ngành Y.

Lý giải việc này, các trường này cho rằng mình làm đúng luật và giúp tìm những ứng viên thấu hiểu người bệnh tốt hơn. TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân cho rằng, môn Văn được bổ sung vào tổ hợp môn xét tuyển là từ thực tiễn của ngành Y coi trọng tính nhân văn, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, chia sẻ và khả năng chịu áp lực trong quá trình điều trị bệnh nhân. Trường chỉ thêm môn Văn vào để xét tuyển chứ không bỏ môn.

Đồng quan điểm, GS, TS, Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thể hiện sự ủng hộ việc đưa môn Văn vào tiêu chuẩn xét tuyển bởi bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng việc thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, kê đơn mà còn bằng cả cái tâm và nhân cách của người thầy thuốc. “Văn là người vì vậy văn học là một yếu tố quan trọng hình thành nên nhân cách. Các tác phẩm văn học mang đến cho bác sĩ một nhân sinh quan toàn diện về con người, về các trạng thái tình cảm và tâm lý phức tạp của con người. Điều này giúp bác sĩ phát triển tư duy nhân văn, tăng cường khả năng thấu hiểu và đồng cảm với người bệnh và có thể điều trị cá thể hóa người bệnh. Các kiến thức khoa học vẫn có thể tiếp thu được nếu học muộn nhưng quá trình hình thành nhân cách và tâm hồn là một quá trình khởi đầu ngay từ khi còn bé”, bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.

Theo lý giải của những ý kiến ủng hộ Văn chỉ là 1 trong 3 môn của tổ hợp xét tuyển. Để vào được ngành Y, thí sinh phải là học sinh giỏi lớp 12, điểm trung bình các môn xét tuyển từ 8. Do đó, việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển cùng với môn Hóa, tiếng Anh, là nhằm phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh, đào tạo thế hệ bác sĩ giỏi về chuyên môn và về tư vấn truyền thông sức khỏe, tâm lý học, tâm thần học, chăm sóc sức khỏe người dân theo mô hình bác sĩ gia đình, vừa đa khoa vừa chuyên khoa, có khả năng tương tác, phối hợp tốt với bệnh nhân.

Từ thực tế trong các kỳ thi tuyển sinh viên Y quốc tế ngoài phần lý thuyết thì phần phỏng vấn rất quan trọng. Phần này người hỏi không khu trú vào kiến thức khoa học mà đòi hỏi thí sinh phải hiểu biết rất rộng về nhiều vấn đề nhất là các vấn đề xã hội, kỹ năng xử lý các tình huống. Ở Việt Nam, các thế hệ thầy thuốc thời kỳ trước không chỉ giỏi về chuyên môn mà đều là những nhân cách lớn.

Cần những minh chứng thuyết phục

Lĩnh vực sức khỏe hiện có 17 mã ngành đào tạo đại học, với 66 trường đào tạo. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 37.512 sinh viên. Lĩnh vực này cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác. Bởi vậy, 3 môn Toán, Hóa, Sinh cho người học một tư duy logic, hiểu bản chất sự vật.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Văn chỉ nên như kỹ năng mềm, điều kiện bổ sung. Chúng ta cũng cần học tập kinh nghiệm quốc tế để tăng cường tầm soát, phòng ngừa những nguy cơ gây hại từ vấn đề y đức trong ngành chăm sóc sức khỏe. Ví dụ trong ngành giáo dục, ứng viên khi tham gia dự tuyển vào sư phạm, bên cạnh những môn bắt buộc, họ phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch tư pháp và trả lời một số bảng hỏi về nhân cách để loại trừ tất cả những nguy cơ gây hại cho những đứa trẻ. Việc trắc nghiệm nhân cách chỉ ra người đó có xu hướng lo âu và khó kiểm soát cảm xúc hay không, có hành vi bạo lực không…

Vì thế, bất kỳ sự thay đổi nào trong phương án tuyển sinh cần phải trải qua quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động. Nếu đưa môn Văn vào xét tuyển thì phải có sự đánh giá của các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học ngành y.

Theo chia sẻ của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh), việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển đầu vào không nên tùy tiện, cần nghiên cứu kỹ, tránh hậu quả khôn lường về sau. Đại biểu cho rằng việc các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa không sai nhưng chưa thỏa đáng, làm nghi ngại từ xã hội. Các trường chưa đưa ra căn cứ hay lý lẽ thuyết phục việc sinh viên ngành Y giỏi môn Văn sẽ tốt hơn những em giỏi khoa học tự nhiên. Mặt khác, nếu chấp nhận tuyển sinh đầu vào ngành Y bằng môn Văn thì phải siết chặt chuẩn đầu ra.

Liên quan đến việc này Bộ Y tế cũng cho rằng các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn Văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe. Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, từ các chuyên gia, nhà trường… đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe, tiếp thu để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước”.

Y khoa là ngành học quan trọng, liên quan sức khỏe và sự sống của bệnh nhân; việc đào tạo tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Nếu sinh viên không đủ khả năng tiếp thu kiến thức chuyên môn ngành y, có thể họ sớm phải bỏ học hoặc ra trường không hành nghề được, dẫn đến lãng phí lớn về tiền của, thời gian. Trong khi, kỹ năng giao tiếp không phụ thuộc vào môn Văn mà vào tố chất, sự rèn luyện của mỗi người. Trong khi các trường y chưa thống nhất tuyển sinh chung và theo phương thức nào, học sinh vẫn phải học trong tâm thế bị động. Các thí sinh đều mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường y sớm trả lời câu hỏi này để bớt lo lắng việc xét tuyển vào ngành y từ năm 2025.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.