Gợi ý làm bài môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023
(ABO) Báo Ấp Bắc Online xin giới thiệu gợi ý bài làm môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của một giáo viên dạy Ngữ văn dạy lớp 12 THPT trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mời bạn đọc tham khảo.
PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1: Thể thơ tự do
Câu 2: Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông trong những dòng thơ:
-Tiếng sấm gõ
- Gió thổi lên rát mặt
- Cát bay
- Lá bay
- Đá bay
Câu 3: Tác dụng của phép tu từ so sánh trong câu: “Mưa ròng ròng như triệu ngón tay”.
+ Gợi hình ảnh cơn mưa mùa hè lớn, nặng hạt, cũng là gợi lên những khó khăn, thử thách mà con người đối diện khi bắt đầu trải qua bước ngoặt của cuộc đời.
+ Thể hiện tình cảm trân trọng những khó khăn, thử thách và sự từng trải của tác giả.
Câu 4: Bài học: Con người sẽ phải trải qua những thử thách, gian nan mới gặt hái thành công. Vì thế chúng ta hãy trở nên mạnh mẽ, kiên cường để vượt qua nó và khẳng định giá trị của bản thân, đóng góp và cống hiến không ngừng cho xã hội.
PHẦN LÀM VĂN
Câu 1: Nghị luận xã hội
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc sống chậm trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:
- “Cảm xúc”: là tình cảm của con người nảy sinh do có sự rung động trước sự vật, hiện tượng nào đó. “Cân bằng cảm xúc”: là khả năng điều chỉnh cảm xúc tích cực của con người sao cho phù hợp với công việc và hoàn cảnh
- Cân bằng cảm xúc trong cuộc sống là điều cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với con người:
+ Khi biết cân bằng cảm xúc, chúng ta giúp chúng ta chủ động đối mặt với khó khăn, thử thách một cách hiệu quả, dễ dàng giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
+ Khi biết cân bằng cảm xúc, con người sẽ có sự tự tin, lạc quan, biết tìm ra giá trị của cuộc sống, không ngừng nỗ lực vươn lên chinh phục ước mơ và hoài bão của mình.
+ Nếu để cảm xúc chi phối cuộc sống, con người sẽ bị lệ thuộc vào cảm xúc, dễ dàng mất đi tự chủ, không giữ được bình tĩnh, hiệu quả làm việc giảm sút
+ Nếu phá vỡ sự cân bằng, hài hòa, con người sẽ khó có được cuộc sống an vui, bình yên.
- Lấy 1 đến 2 dẫn chứng sao cho phù hợp.
- Cần phê phán những con người sống cảm tính, không biết cân bằng cảm xúc của mình.
- Bài học: Tuổi trẻ không ngừng học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, đặc biệt là phải biết cân bằng cảm xúc để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn.
Lưu ý:
- Thí sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữ lí lẽ và dẫn chứng
- Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
Câu 2: Nghị luận văn học
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, Thân bài triển khai được vấn đề nghị luận, Kết bài khái quát được vấn đề nghị luận
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận đoạn trích, từ đó nhận xét cách nhìn về cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu tác giả , tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận
- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn về nông thôn và người nông dân, là “nhà văn một lòng đi về với đất với người với thuần hậu nguyên thuỷ của cuộc sống nông thôn” (Nguyên Hồng)
- “Vợ nhặt” được in trong tập "Con chó xấu xí" (1962), tiền thân là tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" được viết ngay sau khi CMT8 thành công nhưng dang dở và lạc mất bản thảo, sau khi hòa bình lập lại ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này
- Đoạn trích nằm ở cuối tác phẩm: Trong bữa cơm đón nàng dâu mới, Thị đã kể sự kiện Việt Minh đi phá kho thóc của Nhật khiến Tràng phân vân nghĩ ngợi. Đoạn trích đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, niềm tin vào tương lai của những con người đang sống trên bờ vực của cái đói, cái chết.
* Phân tích
- Giới thiệu Tràng:
+ Tràng được Kim Lân miêu tả là một anh chàng nông dân nghèo có ngoại hình xấu xí. Đã thế còn dở người. Gia cảnh của Tràng cũng như bao gia đình khác trong nạn đói khủng khiếp ấy. Rõ ràng nguy cơ “ế vợ” là không thể chối bỏ. Trong hoàn cảnh đó, Kim Lân đã xây dựng lên một tình huống trớ trêu – Tràng “nhặt” được vợ. Vì Tràng đã nghèo giờ đây còn đèo bòng thêm “người vợ nhặt” là đồng nghĩa với việc nhặt thêm tai họa cho mình, đẩy gia đình anh đến gần hơn với cái chết. Việc Tràng có vợ là một tình huống vô cùng éo le cảm xúc vui buồn lẫn lộn, khiến ai nghe được cũng phải cười ra nước mắt vì thương hại. Sự kiện nhặt được vợ không chỉ mang đến cho Tràng niềm vui sướng tột cùng mà còn đánh thức trong tâm hồn người đàn ông tưởng như ngờ nghệch ấy bao tình cảm và suy nghĩ đáng quý.
+ Trong bữa cơm gia đình đầu tiên từ khi có vợ, hắn tỏ ra vâng dạ với bà cụ Tứ “rất ngoan ngoãn”. Thái độ đó của anh góp phần tạo lên một không khí đầm ấm hòa hợp của một gia đình.
- Nội dung:
+ Trong bữa cơm, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng sau này, bàn về gia cảnh, chuyện làm ăn với nàng dâu nhưng khi có tiếng trống thúc thuế vang lên dồn dập, kéo bà cụ Tứ trở về với hiện thực, niềm vui của bà không thể cất cánh, “bà vội ngoảnh mặt ra ngoài, bà không muốn con dâu của bà nhìn thấy bà khóc”. Qua đó, nhà văn phê phán tội ác của bọn Phát xít Nhật đã đẩy nhân dân ta đến thảm cảnh khủng khiếp…
+ Chi tiết: Thị kể lại sự kiện “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật và chia cho người đói” đã vơi bớt nỗi niềm lo âu, buồn tủi của gia đình Tràng. Tràng thần mặt ra nghĩ ngợi điều gì đó. Có lẽ hắn nghĩ đến những người đi phá kho thóc Nhật. Nhớ lại lúc đó “tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ, ngẩn ngơ”.
+ Tác phẩm khép lại khi trong đầu Tràng vẫn thấy “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Tuy cuộc sống của gia đình Tràng vẫn chưa thoát khỏi đói khổ nhưng hìn hảnh đám người đi phá kho thóc Nhật và lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trong óc Tràng đã thể hiện niềm tin của nhân vật về một tương lai tươi sáng. Tuy chưa được giác ngộ cách mạng nhưng Tràng đã ý thức một cách mơ hồ rằng: không thể ngồi yên chờ chết. Con đường đấu tranh để giành quyền sống từ tay kẻ thù là con đường tất yếu của người dân lao động nghèo khổ. Nó đã trở thành nguồn sức mạnh và niềm tin hướng Tràng cùng biết bao người dân nghèo khổ khác vươn tới sự sống,tin vào tương lai phía trước.
- Nghệ thuật:
+ Để xây dựng thành công nhân vật chính của câu chuyện nhặt được vợ – Tràng, thì Kim Lân đã phải có những cảm nhận sâu sắc cũng với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật mới. Tâm trạng cảm xúc của Tràng còn tạo nên một màu sắc lạc quan cho tác phẩm “Vợ nhặt”.
+ Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật. Có thể theo hướng: Qua diễn biến tâm lý của Tràng, ta thấy toát lên niềm khát khao tổ ấm gia đình, khát khao được sống và vươn ra ánh sáng của những con người nghèo khổ trong nạn đói. Với cách kể chuyện tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn, xây dựng tình huống độc đáo, đầy sáng tạo, miêu tả tâm lý nhân vật tự nhiên, tinh tế, ngôn ngữ giản dị… Kim lân đã thành công khi miêu tả diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật Tràng. Nhân vật Tràng nói riêng và tác phẩm “Vợ nhặt” nói chung sẽ còn in đậm trong tâm trí người đọc hôm nay và mai sau
* Nhận xét cách nhìn về cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích:
- Dù sống cận kề bên bờ vực của cái chết nhưng các nhân vật trong đoạn trích trên đã có một cái nhìn tin yêu, lạc quan, họ tin vào sức mạnh của hạnh phúc gia đình, tin vào khả năng đổi đời khi họ vươn tới ánh sáng cách mạng, nói như nhà văn Kim Lân: ““Khi viết về nạn đói ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói, người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi họng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người.”
- Thể hiện tình cảm yêu thương, trân trọng, chia sẻ của nhà văn Kim Lân đối với những kiếp người nghèo khổ trong nạn đói.
Lưu ý: Bài làm phải đảm bảo chuẩn kiến thức, chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt và cần thể hiện sáng tạo nội dung bài làm.
.