Thứ Hai, 05/06/2023, 15:34 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Gợi ý bài làm Đề thi môn Văn, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024

(ABO) Báo Ấp Bắc Online xin giới thiệu gợi ý bài làm môn Ngữ văn Kỳ thi Tuyển sinh lớp 10, năm học 2023 - 2024 ở Tiền Giang, của một giáo viên dạy Ngữ văn trung học phổ thông trên địa bàn TP. Mỹ Tho, mời bạn đọc tham khảo.

I/ PHẦN ĐỌC HIỂU

1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

2. Theo đoạn trích, sống chậm giúp ích cho chúng ta cảm nhận về cuộc sống và những người xung quanh chúng ta nhiều hơn.

3. Phép tu từ liệt kê: … tiếng chim hót trên bầu trời xanh, vẻ đẹp của những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hồng, vẻ đẹp của tia nắng bình minh khi bạn tỉnh giấc…

Tác dụng: Tạo được giá trị biểu đạt và sự nhịp nhàng cho câu văn. Giúp người đọc hình dung cụ thể về những điều tốt đẹp và giá trị của cuộc sống khi ta sống chậm.

4. Đồng tình với ý kiến. Vì cuộc sống vội vã khiến cho con người nhận lấy hậu quả: Không có thời gian quan tâm đến những giá trị của tình cảm, cũng như các mối quan hệ xã hội; quay cuồng với cuộc sống nhộn nhịp nên có thể trở nên thờ ơ, vô cảm với gia đình, các mối quan hệ xã hội và có thể đánh mất chính mình.

Đây là dạng câu hỏi mở, thí sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân và có giải thích hợp lý.

II/ PHẦN LÀM VĂN

1. Viết đoạn văn nghị luận xã hội

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành, đảm bảo 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Ý nghĩa của việc sống chậm trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của việc sống chậm trong cuộc sống. Có thể theo hướng sau:

- Sống chậm là sẵn sàng đón nhận mọi thứ, cố gắng để bản thân hòa nhập với môi trường xung quanh mình, biết quan tâm đến mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh.

- Sống chậm bạn sẽ có tinh thần thoải mái, giúp chúng ta thay đổi cả những suy nghĩ để không còn lối sống ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mà còn biết quan tâm đến cả những người xung quanh. Sống chậm để thấy cuộc đời tươi đẹp, đáng sống, để biết cống hiến đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

- Tuổi trẻ không ngừng học tập, rèn luyện và trau dồi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, đặc biệt là phải biết sống chậm để cuộc sống càng thêm ý nghĩa.

Lưu ý:  Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lý lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng. Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

2. Phân tích đoạn thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận của Thanh Hải về mùa xuân của đất nước, của dân tộc qua đoạn thơ “Mùa xuân… xôn xao”.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

-  Vài nét về nhà thơ Thanh Hải: Một nhà thơ có thể nói là đã cống hiến cả đời mình cho cách mạng.

- Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ: Được viết trong những ngày cuối cùng Thanh Hải nằm trên giường bệnh, cả cuộc đời ông đã dùng để cống hiến cho cách mạng, giờ đây ông lại cất lên niềm khát khao, niềm mong mỏi có thể tiếp tục cống hiến “mùa xuân nho nhỏ” cho cuộc đời này.

- Đoạn thơ là cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước.

* Phân tích

- Bốn câu thơ đầu song hành từng đôi một, hô ứng nhịp nhàng, hài hòa như bước đi của dân tộc giữa mùa xuân: “Lộc”- chồi non, cành biếc, non tơ, đầy nhựa sống, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức sống mùa xuân. Người chiến sĩ ra trận với cành lá nguỵ trang "lộc giắt đầy quanh lưng ". Ở hậu phương, với bàn tay lao động cần cù, người nông dân đang phủ màu xanh lên đồng quê “lộc trải dài nương mạ”.

- 2 câu cuối: Cả một dân tộc bừng bừng khí thế, một sức xuân dào dạt “hối hả” bước đi giữa mùa xuân. Mùa xuân mang đến cho nhân dân ta một sức sống mới, nhiệt tình cách mạng mới, hăng hái, khẩn trương lên đường. Cả một dân tộc ngập tràn niềm vui.

* Nghệ thuật: Cặp từ láy “hối hả”, “xôn xao", điệp ngữ “tất cả”, câu thơ có nhạc điệu dồn dập hân hoan; hình ảnh vừa cụ thể gợi cảm, vừa mang ý nghĩa khái quát sâu sắc.

* Đánh giá:

- Qua cảm nhận của tác giả, chúng ta nhận thấy bước đi của mùa xuân như đang hòa nhịp với bước “đi lên phía trước” của dân tộc trên hành trình phát triển, niềm tin của tác giả vào tương lai tươi sáng của đất nước.

- Thể hiện tình cảm ca ngợi của tác giả đối với con người Việt Nam và tình yêu đất nước tha thiết sâu sắc của Thanh Hải.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-Hết-

.
.
.