Thứ Bảy, 22/07/2023, 20:32 (GMT+7)
.

3 vấn đề thí sinh đặc biệt lưu ý khi đăng ký nguyện vọng

Hiện tại, thí sinh đã nhận được tất cả các dữ liệu quan trọng nhất liên quan đến tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Đây là thời khắc quan trọng để thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Không nên đăng ký 1 nguyện vọng

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc cho thí sinh.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc cho thí sinh.

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023 diễn ra đồng thời tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng nay, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, có thể các thí sinh còn đang phân vân, băn khoăn, chưa đưa ra được quyết định cuối cùng, hoặc có thể đang hiểu nhầm một số thông tin nào đó, nghĩ rằng mình đã trúng tuyển sớm (trúng tuyển có điều kiện vào một số trường đại học) và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT nữa. Đây là điều không nên, nếu thí sinh chờ đến sát thời điểm cuối cùng, gây nghẽn mạng do nhiều người đăng ký, như vậy rủi ro rất cao.

Dù năm nay, nhiều thí sinh đã trúng tuyển xét tuyển sớm (chỉ cần đăng ký nguyện vọng và tốt nghiệp THPT) song PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng không nên chỉ đăng ký một nguyện vọng mà nên có một số nguyện vọng. Vì nếu có rủi ro thì hệ thống của Bộ GD-ĐT còn có căn cứ để xét tuyển tiếp cơ hội khác cho thí sinh.

Đặt nguyện vọng ưu tiên thế nào?

Bày tỏ lo lắng trong việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng, một phụ huynh có con học tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội cho hay, con chị đã trúng tuyển sớm 15 trường nhưng vẫn cảm thấy lo sợ bởi trường con thực sự yêu thích là trường chưa trúng tuyển. Đặt nguyện vọng thế nào để chờ đợi vào được trường mong muốn mà vẫn “giữ chỗ” nơi đã trúng tuyển. Nếu đặt không đúng thứ tự có khi lại “mất trắng”.

Giải đáp lo lắng của phụ huynh, PGS, TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa cho biết: “Với những nguyện vọng trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đưa những nguyện vọng yêu thích chưa trúng tuyển lên trên. Nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt ở đâu cũng sẽ đỗ nếu tất cả các nguyện vọng phía trên trượt”.

Thí sinh tìm hiểu thông tin trực tiếp tại các các gian tư vấn.
Thí sinh tìm hiểu thông tin trực tiếp tại các các gian tư vấn.

Trong khi đó nhiều phụ huynh lo lắng con có giấy thông báo trúng tuyển sớm của trường, liệu sau khi đăng ký lên hệ thống con có bị trượt khỏi ngành đã xét tuyển sớm đó không? Trường trúng tuyển sớm yêu cầu phải xác nhận trúng tuyển liệu có cần thiết?

Giải đáp vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định trường hợp thí sinh đã có thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm và đủ các điều kiện đi kèm, trên hệ thống, thí sinh đặt ưu tiên nguyện vọng 1 trùng với nguyện vọng đã trúng tuyển thì chắc chắn thí sinh sẽ được hệ thống xác nhận trúng tuyển. Nếu thí sinh không được trường gọi nhập học thì phụ huynh có thể làm đơn gửi lên Bộ GD-ĐT để được giải quyết.

Trấn an thí sinh và phụ huynh, PGS, TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Có những trường yêu cầu xác nhận vì lý do nào đó. Tuy nhiên, thí sinh có thể xác nhận hết các yêu cầu mà các trường quy định. Nhưng khi đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh không đặt ưu tiên lên trên tất cả các trường đã xác nhận cũng không sao. Thay vào đó, thí sinh có thể đặt ưu tiên số 1 một nguyện vọng khác. Đó là quyền của thí sinh”.

Lưu ý thí sinh khi đăng ký nguyện vọng, PGS, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, với những thí sinh có nguyện vọng xét điểm thi và xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm thì cần tích vào dữ liệu khác. Ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ đưa danh sách thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm lên, đó chính là dữ liệu khác của thí sinh.

Bảo lưu kết quả trúng tuyển

Thí sinh trải nghiệm những mô hình ảo tại một số gian tư vấn.
Thí sinh trải nghiệm những mô hình ảo tại một số gian tư vấn.

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, trường hợp muốn bảo lưu kết quả trúng tuyển, trước hết thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển. Sau khi đăng ký nhập học, thí sinh phải học một học kỳ chẳng hạn. Sau đó trình bày với trường lý do cần tạm ngưng và trường có thể cho phép thí sinh bảo lưu kết quả.

“Có các trường hợp thí sinh chưa chính thức học tập nhưng phải đi nghĩa vụ quân sự, hoặc có lý do đau ốm và có xác nhận của cơ quan chuyên môn thì cũng có thể được trường cho phép bảo lưu kết quả, nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt. Vì thế, việc bảo lưu kết quả trúng tuyển là có thể được, nhưng cần đúng quy định chứ không phải ai cũng bảo lưu kết quả để đi học thử nơi khác”, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Cơ hội việc làm giữa việc lựa chọn một chương trình đại trà (chương trình chuẩn) và một chương trình chất lượng cao được Thạc sĩ Phạm Thanh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương phân tích nhằm giúp những gia đình không có điều kiện kinh tế lựa chọn ngành học. Theo đó, về mặt bằng cấp, chương trình chuẩn tương đồng với chương trình chất lượng cao, đều do trường đại học cấp. Song giữa hai chương trình cũng có sự khác biệt. Ví dụ ở Trường Đại học Ngoại thương, một số ngành được dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên những ngành này sẽ được học với các giáo viên trong và ngoài nước, có điều kiện tiếp cận với các mô hình đào tạo đặc thù. Do đó, học phí hệ chất lượng cao, tiên tiến hay học bằng tiếng Anh thường cao hơn. Tuy nhiên, phụ huynh hoàn toàn yên tâm, bất cứ chương trình nào được đưa vào đào tạo thì phải chuẩn. Chương trình nào cũng có nguyên tắc và các tiêu chuẩn riêng và các gia đình có thể lựa chọn theo khả năng tài chính của mình.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.