Thứ Hai, 07/08/2023, 10:17 (GMT+7)
.

Chuyện về ngôi trường mang tên Nguyễn Thị Bảy

Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy là cán bộ cách mạng kiên trung, có nhiều đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những cống hiến của đồng chí cho quê hương, tên đồng chí đã được đặt tên cho Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Thị Bảy (tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

NGƯỜI CÁN BỘ KIÊN TRUNG

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bảy (tên thường gọi Bảy Lục), sinh năm 1908, tại chợ Cả Chốt, nay thuộc ấp An Ninh, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh chị em, đồng chí được nhà sư yêu nước Thiện Chiếu ở chùa Linh Tuyền ở gần nhà nhận dạy học chữ nho và chữ quốc ngữ.

Trong thời gian ở xã Vĩnh Hựu, nhất là tại ấp Phú Quý, hoạt động của tổ chức Việt Nam Quang Phục hội do Đặng Vương Tá lãnh đạo đã có tiếng vang, ảnh hưởng lớn trong tỉnh Gò Công và các tỉnh lân cận. Nhờ biết chữ nho và chữ quốc ngữ, đồng chí tham gia phong trào và trở thành hội viên trẻ hoạt động rất tích cực.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Tây cắt băng khánh thành Trường THCS Nguyễn Thị Bảy.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Tây cắt băng khánh thành Trường THCS Nguyễn Thị Bảy.

Do tổ chức bị thực dân Pháp đàn áp nên đồng chí di chuyển đến Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) lao động và sinh sống. Sau đó, đồng chí về xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An để sinh sống và kết hôn với ông Nguyễn Văn Ớt, là đảng viên Cộng sản. Đồng chí được chồng giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động tại địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1932, bà trở thành đảng viên hoạt động năng nổ, dũng cảm, mưu trí, được đồng chí và nhân dân tin tưởng.

Sau đó, đồng chí được phân công lãnh đạo 3 xã: Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Long Hậu Tây của huyện Cần Giuộc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, từ 3 “xã trắng” về phong trào cách mạng đã trở thành 3 xã có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh của huyện, khiến chính quyền thực dân vô cùng lo ngại, gọi đó là “khu vực đỏ”.

Đầu năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Bảy được chỉ định làm Bí thư huyện Cần Giuộc. Phong trào đấu tranh đòi quyền tự do cho nông dân vào giữa năm 1936 với quy mô lớn và có tổ chức lãnh đạo chặt chẽ. Mặc dù bị địch đàn áp dã man nhưng cuối cùng cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Đầu năm 1937, đồng chí được tổ chức điều về hoạt động ở Thủ Dầu Một (tỉnh Sông Bé) được ít lâu thì bị địch bắt, do không đủ chứng cứ buộc tội, chúng phải trả tự do cho đồng chí. Do bị lộ, tổ chức phân công đồng chí trở lại lãnh đạo phong trào tại huyện Cần Giuộc.

"Ngôi trường mang tên Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bảy không chỉ là niềm vinh dự cho quê hương Tiền Giang mà còn vang danh ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An). Tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua chất lượng dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng lên, góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung của huyện Gò Công Tây. Với niềm tự hào và khát vọng vươn lên của nhà trường, cùng sự đồng hành của cộng đồng, chúng ta hoàn toàn tin tường rằng, Trường THCS Nguyễn Thị Bảy sẽ phát triển nằm trong tốp đầu của những trường THCS hàng đầu của tỉnh Tiền Giang”.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN GÒ CÔNG TÂY NGUYỄN THANH TUẤN

Năm 1939, đồng chí là Tỉnh ủy viên Chợ Lớn và được chỉ định tiếp tục làm Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, năm 1940, Huyện ủy cần Giuộc tổ chức cuộc biểu tình lớn phản đối việc thực dân Pháp bắt thanh niên đi lính đánh thuê cho chúng, cuộc biểu tình đã huy động trên 500 người tham gia, địch đã thẳng tay đàn áp nhiều cán bộ nòng cốt và quần chúng tham gia bị thương và bị bắt, nhưng nhờ sự lãnh đạo khéo léo và cương quyết của Huyện ủy và đồng chí nên cuộc biểu tình đã giành thắng lợi, gây tiếng vang lớn trong tỉnh Chợ Lớn và các tỉnh lân cận, làm cho quần chúng càng tin tưởng vào sức mạnh của tinh thần đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện quyết định của Hội nghị xứ ủy Nam kỳ mở rộng về tổ chức cuộc khởi nghĩa vũ trang trong năm 1940, Huyện ủy Cần Giuộc thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa do đồng chí làm Trưởng ban. Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, Đảng bộ dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí, lực lượng đảng viên ở các cơ sở tiến hành tập hợp quần chúng nhân dân mở ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ; đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền huyện, xã về tay nhân dân.

Đây được xem là phong trào cách mạng nổi trội của quê hương Cần Giuộc lúc bấy giờ. Tài năng và khí chất anh hùng của đồng chí Nguyễn Thị Bảy không chỉ lan truyền trong nhân nhân Cần Giuộc - Chợ Lớn, mà cả khi sa vào tay địch, chúng phải khâm phục gọi bà là “Bà Hoàng hậu đỏ”.

Chiều 14-12-1940, trong một chuyến công tác, đồng chí Nguyễn Thị Bảy bị sa vào tay giặc. Biết bà là đảng viên lãnh đạo cuộc đấu tranh và là người trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở huyện Cần Giuộc, chúng đã đánh đập tàn nhẫn, nhưng đồng chí vẫn không bị khuất phục. Ngày 26-5-1941 (nhằm ngày 22-5 âm lịch) tại sân banh Cần Giuộc, thực dân Pháp xử bắn đồng chí và các chiến sĩ cách mạng.

Trước lúc hy sinh, đồng chí Nguyễn Thị Bảy kêu gọi nhân dân “Hãy tiếp tục đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp thì dân cày mới có ruộng, khởi nghĩa lần này thất bại, lần sau nhất định sẽ thành công”. Sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Thị Bảy cùng các chiến sĩ đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang).

TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG

Trường THCS Nguyễn Thị Bảy hiện có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học 2022 - 2023, trường có 18 lớp, 667 học sinh trên địa bàn 2 xã Vĩnh Hựu và Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây.

Những năm qua, nhà trường không ngừng đổi mới tư duy quản lý, cải tiến phương pháp dạy học. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, đoàn kết trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư xây dựng mới, khang trang, sạch đẹp; thiết bị dạy học không ngừng được tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo trong tình hình hiện nay.

Tháng 2-2022, Trường THCS Nguyễn Thị Bảy được đầu tư mở rộng theo Quyết định 2076 của UBND tỉnh Tiền Giang, với diện tích 11.582 m2 gồm khối phòng hành chính, phòng bộ môn, 19 phòng học lý thuyết, nhà đa năng, sân thể thao, nhà xe giáo viên - nhà xe học sinh, cổng hàng rào, sân chơi, cấp mới trang thiết bị dạy học, tổng kinh phí đầu tư hơn 47,9 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới; đồng thời chất lượng dạy và học của trường cũng không ngừng được nâng lên.

Thầy Nguyễn Hùng Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy tốt - học tốt; hiệu quả đào tạo, huy động học sinh bỏ học giữa chừng ra lớp, duy trì sĩ số, tốt nghiệp THCS, giáo dục đạo đức học sinh đạt kết quả tốt, vượt chỉ tiêu.

Ngoài ra, nhà trường còn đề ra nhiều giải pháp để bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học tích hợp, dạy học liên môn... Công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm được nhà trường chú trọng. Các giáo viên đăng ký viết sáng kiến kinh nghiệm, qua đó đã nhiều sáng kiến áp dụng vào công tác giảng dạy, mang lại hiệu quả thiết thực.

Vừa qua, nhà trường vừa được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 và đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là động lực để tập thể Hội đồng Sư phạm nhà trường tiếp tục không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người” mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành và nhân dân địa phương giao phó, xứng đáng với Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bảy, người mà nhà trường vinh dự được mang tên”.

HOÀI THU - KIM LAN
 

.
.
.