Thứ Bảy, 26/08/2023, 11:40 (GMT+7)
.

Loay hoay với tích hợp

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, vấn đề môn học tích hợp đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các giáo viên trực tiếp giảng dạy - những người giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông mới tới người học.

Một giờ học tích hợp của học sinh Trường trung học cơ sở Phan Đình Phùng, phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Từ Lang
Một giờ học tích hợp của học sinh Trường trung học cơ sở Phan Đình Phùng, phường Phan Đình Phùng, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Từ Lang

Khi đề cập các môn học tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới với cả ba cấp học, có thể thấy vấn đề nằm nhiều hơn cả ở cấp trung học cơ sở. Nhìn lại Chương trình cũ (năm 2006), thì cấp học này có năm môn học riêng biệt gồm: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Sang Chương trình mới (năm 2018) yêu cầu tích hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học thành môn khoa học tự nhiên; môn lịch sử, địa lý "tích hợp" thành một môn học là Lịch sử và Địa lý (hay khoa học xã hội).

Theo đánh giá của một số chuyên gia, các môn tích hợp này, ở lớp 6, lớp 7 thì được thiết kế như kiểu "xôi đỗ", lớp 8 lại như tổ hợp. Trong khi kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến, hay nhu cầu nguồn nhân lực của nước ta những năm gần đây cũng cho thấy, ở nhiều lĩnh vực đòi hỏi kiến thức và kỹ năng tích hợp đa ngành, liên ngành. Các môn học tích hợp đúng nghĩa phải đáp ứng được đòi hỏi ấy. Tuy nhiên, muốn thế, sự chuẩn bị từ môn học tích hợp sẽ không đơn thuần chỉ là lắp ghép cơ học các môn thành phần.

Là một chuyên gia giáo dục, một giáo viên gắn bó nhiều năm với học sinh phổ thông, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội thẳng thắn cho hay: Việc triển khai thực hiện tích hợp ba môn lý, hóa, sinh thành môn khoa học tự nhiên; tích hợp hai môn sử, địa thành môn Lịch sử và Địa lý như hiện nay là quá khiên cưỡng; không thấy ưu điểm, chỉ thấy rắc rối cho việc giảng dạy của giáo viên. Thầy Khang cũng đề nghị, nên bỏ việc tích hợp một số môn học ở cấp trung học cơ sở, bởi vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý là những môn học độc lập.

Nhìn nhận ở chức năng giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho ý kiến về việc triển khai dạy học môn tích hợp (môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở cấp trung học cơ sở) đặt vấn đề: "Chương trình các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý hiện nay đã đúng là tích hợp chưa hay đó chỉ là lắp ghép các môn học thành phần lại với nhau?". Bà Hoa thông tin, quá trình giám sát cho thấy các trường triển khai rất khác nhau với các môn tích hợp. Có nơi cho giáo viên tập huấn rồi yêu cầu một giáo viên dạy hết môn (gồm các phân môn khác nhau) trong khi hầu hết giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm. Có nơi phân bố thời khóa biểu để giáo viên đảm nhiệm các phần khác nhau tương ứng với chuyên môn được đào tạo, nhưng gặp phải vấn đề thiếu giáo viên nên nảy sinh không ít bất cập khác.

Để giải quyết tình huống, thời gian qua, ngành giáo dục bên cạnh việc giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm đào tạo lứa cử nhân mới, thì một số trường đã và đang thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho các thầy, cô giáo từ dạy đơn môn sang tích hợp. Song, trên thực tế, như báo chí đã phản ánh, ý kiến từ các trường, nhiều thầy cô chia sẻ là khá khó khăn.

Vấn đề thiếu giáo viên và công tác đánh giá môn tích hợp cũng được PGS,TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) lưu ý, hiện nay hầu hết các trường vẫn đang loay hoay khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy tích hợp, nhiều giáo viên cùng dạy nhưng lại quên việc phải xác định một sản phẩm tối thiểu học sinh cần đạt. Theo bà Thơ, thậm chí cả khi ngành giáo dục đã đào tạo và tương đối đủ nguồn lực con người, việc dạy học chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi, bồi dưỡng năng lực thường xuyên. Và, với những yêu cầu mới đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động của các trường là rất lớn.

Trả lời những thắc mắc về sự chênh lệch giữa nguồn lực và các mục tiêu, lộ trình đổi mới, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Chương trình không thể chờ đến bốn năm khi có giáo viên mới thì triển khai. Vì thế trước hết phải sử dụng giáo viên tại chỗ bằng cách tập huấn và linh hoạt trong bố trí giáo viên".

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương nghiên cứu, căn cứ thực tế tiến hành các bước, tham vấn ý kiến chuyên gia, và sẽ sớm xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng khẳng định, dù điều chỉnh thế nào thì vẫn phải cố gắng không để gây xáo trộn đội ngũ hiện nay, nhất là đội ngũ đã được đào tạo, bồi dưỡng. Việc thay đổi, nếu có, sẽ chỉ theo hướng tốt hơn, hiệu quả hơn, và phải phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Nhiều chuyên gia và cử tri kiến nghị, chờ đến khi triển khai xong bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 12 (vào năm học 2024 - 2025), đề nghị Quốc hội và Chính phủ đánh giá tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và các bộ sách giáo khoa đã được sử dụng, để có những điều chỉnh hợp lý.

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

 

.
.
.