.

Tháo gỡ nhiều vấn đề giáo dục mang tính cấp thiết

Cập nhật: 09:55, 16/08/2023 (GMT+7)

Nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018; cần chăm lo tốt chế độ chính sách cho nhà giáo, đặc biệt là với giáo viên mầm non; tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hạn chế bạo lực học đường… đó là những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trên khắp mọi miền đất nước gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhân buổi gặp gỡ giáo viên cả nước bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến qua hàng chục ngàn điểm kết nối vào sáng ngày 15-8.

GẶP GỠ ĐỂ GẦN NHAU HƠN

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các Cục, Vụ với toàn thể nhà giáo trên cả nước; để chúng ta gần nhau hơn, để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, cùng chia sẻ, tăng thêm sức mạnh chung. “Thời gian qua, ngành GD-ĐT đang triển khai những việc rất lớn, rất khó, có việc khó tựa như “dời non, lấp bể”. Nhưng để làm được việc khó thì phải đồng tâm, hiệp lực, việc càng khó, càng lớn, càng phải hiệp lực, đồng tâm, cả triệu người cùng hướng về một phía thì khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Quang cảnh buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với giáo viên tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh buổi gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với giáo viên tại điểm cầu Tiền Giang.

Với hơn 6.500 câu hỏi được gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bằng nhiều cách khác nhau và không thể trả lời hết trong một buổi. Bộ trưởng cho biết, ngoài các vấn đề được trao đổi trực tiếp tại buổi gặp gỡ, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các Cục, Vụ tiếp tục phân tích câu hỏi và sẽ trả lời theo từng chủ đề phù hợp, quan trọng hơn cả là lắng nghe ý kiến để có những điều chỉnh kịp thời về mặt chính sách.

Theo Bộ GD-ĐT, qua tổng hợp ý kiến từ các kênh, có hơn 6.000 ý kiến của khối mầm non và phổ thông được gửi về Bộ. Trong đó, gần 4.000 ý kiến của giáo viên; hơn 1.300 ý kiến của nhân viên trường học, còn lại là ý kiến của cán bộ quản lý.

Tại buổi gặp gỡ, các nhà giáo tại 63 tỉnh, thành phố đã tập trung vào 3 nhóm ý kiến chính. Nhóm 1, liên quan đến triển khai Chương trình GDPT năm 2018, như dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường… Nhóm 2, liên quan đến chế độ chính sách nhà giáo, như tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non… Nhóm 3, liên quan đến điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên, như trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…

“MỔ XẺ” NHIỀU VẤN ĐỀ

Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước), đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Tiền Giang bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng gửi đến Bộ trưởng.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với đội ngũ cán bộ, nhà giáo toàn ngành là hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Đây là cơ hội để giáo viên được biết rõ, được hiểu thêm một cách chính thống các thông tin về công việc, các quan điểm chỉ đạo của ngành, các lý giải về khoa học giáo dục trong tiến trình đổi mới. Trong đầu năm học sắp tới, trong các hội nghị hiệu trưởng ở các bậc học, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ triển khai các chỉ đạo của Bộ trưởng, các phương hướng, nhiệm vụ của từng bậc học đến với đội ngũ nhà giáo toàn tỉnh để cùng chung tay góp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.

Cô Duyên cho biết, trường cô công tác là một trong những trường thuộc vùng nông thôn của tỉnh Tiền Giang. Trong những năm qua, các trường tiểu học của tỉnh Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy và học, nhất là các trường thuộc vùng nông thôn ở xa.

Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của ngành Giáo dục, hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được xây dựng khang trang, bàn ghế dành cho học sinh và giáo viên đầy đủ, đúng quy cách, những con đường đất đã thay bằng những con đường nhựa, bê tông, giúp học sinh thuận lợi đến trường.

Bên cạnh đó, địa phương còn có những chính sách hỗ trợ cho những học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế trong những năm gần đây, 100% trẻ em trong độ tuổi tiểu học của tỉnh Tiền Giang được đến trường tham gia học tập.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác dạy và học của giáo viên tiểu học của tỉnh Tiền Giang vẫn còn một số khó khăn. Đại diện cho các thầy cô giáo, cô Duyên gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn các kiến nghị, cụ thể như sau: Thứ nhất, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ Chương trình GDPT năm 2018 còn thiếu nhiều, việc trang bị cho từng khối lớp còn hạn chế, chưa đồng bộ, một số phòng học chưa được trang bị đầy đủ máy tính, màn hình, máy chiếu, trang thiết bị dạy học. Vấn đề thứ hai, nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nhất là giáo viên mầm non. Đề nghị Bộ GD-ĐT với vai trò đầu tàu tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt thòi so với chính sách chung.

Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước), đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Tiền Giang bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng gửi đến Bộ trưởng.
Cô Nguyễn Thị Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước), đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Tiền Giang bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng gửi đến Bộ trưởng.

Vấn đề thứ ba, Bộ GD-ĐT cần có giải pháp tham mưu Chính phủ có mức lương phù hợp hơn để giáo viên yên tâm công tác. Bởi hiện nay, mức lương của 1 giáo viên mới ra trường không đủ để trang trải cuộc sống nên có nhiều thầy cô phải chuyển ngành. Thực tế là có một số giáo viên trẻ ra trường nhưng không đi dạy do mức lương thấp, mà xin làm ở một số ngành khác. Vì thế, hiện nay thiếu giáo viên rất nhiều và dự báo ở những năm tiếp theo khi số lượng thầy cô nghỉ hưu nhiều, thì tình trạng thiếu giáo viên lại càng nghiêm trọng. Chính vì vậy, rất mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét và đề xuất mức lương tốt hơn cho đội ngũ nhà giáo trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những khó khăn đối với đội ngũ giáo viên tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung trước những vấn đề khó khăn mà toàn ngành GD-ĐT đang gặp phải. Nói về vấn đề lương, phụ cấp của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế có nêu tiền lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Mong muốn là vậy, nhưng để hiện thực hóa thì còn nhiều việc phải làm, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Trách nhiệm của chúng ta là thuyết phục và rất cần sự đóng góp của xã hội để có cơ chế phù hợp.

Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng đã tăng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

Về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng nhấn mạnh, để triển khai Chương trình GDPT năm 2018, hai nhân tố quan trọng hàng đầu là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Trên địa bàn cả nước, nhiều địa phương đã thực hiện tốt việc này, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh dạy và học.

Tuy nhiên, do các điều kiện khác nhau, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong xây dựng kiên cố hóa trường học; việc giải ngân mua sắm thiết bị dạy học còn khó khăn. Mong rằng lãnh đạo các địa phương quan tâm ráo riết hơn nữa để có thể cải thiện cơ sở vật chất trường lớp.

Về trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục, trường học khai thác thật tốt những thiết bị đã có và đang có để phục tốt việc dạy và học, nhất là với những giờ thực hành, tuyệt đối không để thiết bị trong kho mà không được ra đến lớp.

Về vấn đề liên quan độ tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là tuổi hưu của giáo viên mầm non, hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Trong Diễn đàn Người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD-ĐT nêu kiến nghị.

Đ.PHI

.
.
.