Thứ Tư, 20/09/2023, 19:59 (GMT+7)
.

Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu thêm dạng trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT

Cho đến ngày 20-9, Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt số môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ sớm công bố phương án thi để xã hội yên tâm.

a
Hội nghị tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT

Ngày 20-9, kết luận hội nghị tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT 2024,Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng, quy mô lớn khi số lượng người tham gia là hàng nghìn người, số lượng thí sinh là hơn 1 triệu em. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2006 nhưng không được phép chủ quan, lơ là.

Về phương án thi từ năm 2025, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục có những cân nhắc về tỷ lệ tính điểm để xét tốt nghiệp. Hiện nay, xét tốt nghiệp THPT theo tỷ lệ 70% là kết quả thi tốt nghiệp THPT và 30% là kết quả học phổ thông, tuy nhiên từ năm 2025 cũng có thể tỷ lệ này sẽ là 50/50.

a
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Nói rõ thêm về kỳ thi từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, chương trình GDPT năm 2018 chú trọng phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, bài thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá hết, mà sẽ tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.

Định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực. Hiện, trừ Ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm, chọn một trong bốn phương án. Tuy nhiên, bộ cũng đang nghiên cứu thêm một số dạng thức như 4 phương án đúng/sai, câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.

Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng nhận định, mỗi dạng thức có ưu - nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi. Chẳng hạn, có phương án đánh giá rất hay nhưng khiến đề thi tăng từ 4 trang giấy thành 10 trang thì cũng phải xem xét. Bộ GD-ĐT dự kiến xây dựng định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong khoảng tháng 10-11, sau đó thử nghiệm ở một số địa phương. Về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, Bộ GD-ĐT có ý tưởng xây dựng thư viện đề thi dùng chung bởi tính mở của chương trình GDPT năm 2018 rất lớn.

Bộ GD-ĐT cũng dự kiến mời Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS) và những chuyên gia hàng đầu trong nước bồi dưỡng cán bộ, giáo viên làm công tác khảo thí để xây dựng thư viện câu hỏi, từ đó, có ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo tính chuẩn hóa. Đội ngũ cán bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi không tập trung vào một nhóm cán bộ, giáo viên như trước mà sẽ mở rộng tới tất cả 63 tỉnh, thành, ít nhất mỗi môn có 2 cán bộ giáo viên được đào tạo.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an cho rằng, gian lận thi vẫn phức tạp, trong khi chế tài chưa nghiêm, Bộ Công an đề nghị cấm thi đối với những thí sinh gian lận thi cử trong suốt những năm sau đó để tăng tính răn đe. Bộ Công an cũng sẽ trang bị thêm các công cụ để phòng chống gian lận, trong đó có phá sóng trong khu vực thi. Ý kiến các địa phương cũng đề nghị sớm công bố phương án thi từ năm 2025.

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình GDPT năm 2018 sẽ thi tốt nghiệp. Để phù hợp với nội dung chương trình mới, kỳ thi tốt nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác. Tuy nhiên, cho đến ngày 20-9, Bộ GD-ĐT vẫn chưa chốt số môn thi bắt buộc. Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ sớm công bố phương án thi để xã hội yên tâm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vẫn do Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các địa phương trực tiếp tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

Theo sggp.org.vn
 

.
.
.