Thứ Năm, 14/09/2023, 07:46 (GMT+7)
.

Chuyện về gia đình họ Nguyễn hiếu học ở huyện Châu Thành

Cùng với nhiều gia đình cư ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, gia đình họ Nguyễn, điển hình là hộ bà Nguyễn Thị Thân (số 156, tổ 4, ấp 1, xã Tam Hiệp) được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trao Bằng công nhận “Gia đình hiếu học cấp tỉnh” đã và đang tích cực tham gia thực hiện chủ trương xây dựng xã hội học tập, chăm lo cho việc học của bản thân và con cháu, thực hiện mục tiêu “Học để làm người” từ truyền thống của gia đình, dòng họ.

Là gia đình thuần nông gắn bó với kinh tế nông nghiệp tại địa phương, 11 thành viên trong gia đình bà Thân (trong đó có 9 người con) sinh sống nhờ vào 9.000 m2 đất phèn được ngọt hóa để trồng lúa, hoa màu. Chồng mất sớm, bà Nguyễn Thị Thân (sinh năm 1940) một đời tảo tần với ruộng vườn để nuôi các con khôn lớn, học hành thành đạt với 1 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh, 4 thạc sĩ và 3 cử nhân đại học.

Những người con của bà Thân đang làm việc và giữ những vị trí công tác quan trọng trong xã hội, gồm: 2 Phó Giám đốc Sở, 1 Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công lập, 3 trưởng, phó phòng, khoa trong trường đại học, 1 Trưởng Phòng Kinh doanh thuộc công ty có vốn đầu tư nước ngoài và 2 giáo viên bậc trung học.

Đại gia đình bà Thân còn 8 cháu nội và 7 cháu ngoại. Các cháu đều chăm ngoan, tự nguyện tự giác học tập tiến bộ. Hiện tại, 3 cháu đã hoàn thành chương trình đại học có việc làm ổn định, 5 cháu đang học đại học và 7 cháu đang học phổ thông.

 Trao Quyết định của UBND xã Tam Hiệp công nhận dòng họ Nguyễn hiếu học cho bà  Nguyễn Thị Thân vào năm 2012.                                                                                               Ảnh: Anh Tuấn
Trao Quyết định của UBND xã Tam Hiệp công nhận dòng họ Nguyễn hiếu học cho bà Nguyễn Thị Thân vào năm 2012. Ảnh: Anh Tuấn

Do xuất phát điểm là những nông dân trải qua hai thời kỳ chiến tranh, không có điều kiện học hành đỗ đạt nên gia đình họ Nguyễn, trong đó có gia đình bà Thân đã nuôi khát vọng con cháu mình phải được học hành tiến bộ.

Truyền dạy của ông bà, cha mẹ với con cháu của Nguyễn tộc là phải bằng kiến thức, kỹ năng và nền tảng đạo đức thật thà, khiêm tốn học hỏi để phát triển bản thân, khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội.

Tấm gương đạo đức thật thà, khiêm tốn, chịu khó học hỏi của ông cha qua nhiều thế hệ, cùng với truyền thống hiếu học, coi trọng việc học của Nguyễn tộc là nền tảng vững chắc để giáo dục con cháu của mình luôn biết chăm lo cho việc học theo mục tiêu “học để làm người”, học để phát triển bản thân, học để làm giàu cho gia đình, dòng họ và học để phụng sự quê hương, đất nước.

Trong hoàn cảnh nghèo khó, không giúp được nhiều về tiền bạc, vật chất, những người thân trong họ tộc Nguyễn ở huyện Châu Thành, trong đó có hộ bà Nguyễn Thị Thân luôn dành sự quan tâm, động viên, khích lệ, nhắc nhở con cháu phải chăm học, chăm làm và sống tử tế với những người xung quanh với phương châm “Đứa lớn hơn phải làm gương và giúp đỡ cho đứa nhỏ tiếp theo trong gia đình. Coi trọng việc học để phát triển bản thân, quan tâm nhắc nhở nhau để sống tốt với cộng đồng” đã trở thành nét đẹp truyền thống của gia đình, dòng họ Nguyễn.

Riêng đối với gia đình bà Thân, chồng bà sinh ra từ ruộng đồng, học chưa hết lớp 5 của trường làng nhưng biết quan tâm đến thời cuộc, biết tự đọc sách, nghiên cứu tài liệu để tổ chức hoạt động sản xuất, nuôi dạy các con ăn học.

Bà Thân học chưa hết lớp 3, đọc và viết chữ chưa thành thạo nhưng sớm hiểu được giá trị của việc học. Ông bà luôn coi trọng việc học, luôn nhắc nhở con mình phải học và bày tỏ mong muốn các con lớn lên phải học hành đỗ đạt.

Sự truyền dạy của ông, bà về đạo làm người, về giá trị của việc học, về định hướng nghề nghiệp để khẳng định bản thân có từ những bữa cơm hằng ngày trong gia đình đã thấm sâu vào nhận thức của các con, cháu ngay từ thuở nhỏ. Nhận thức ấy lớn dần theo năm tháng, trở thành ý chí, hành động quyết tâm mãnh liệt của 9 người con của bà Thân khi phải mồ côi cha ở tuổi mười lăm, đôi mươi.

Chồng bà Thân mất sau cơn bệnh hiểm nghèo vào năm 1984, gia đình bà rơi vào cảnh túng thiếu triền miên, vừa lao động sản xuất trên mảnh ruộng, luống rau của mình, vừa phải làm mướn cho bà con quanh xóm để kiếm tiền chăm lo cho các con ăn học.

Dù là bà mẹ suốt ngày “chân lấm tay bùn”, học ít nhưng bà Thân luôn bảo ban các con lao động sản xuất và quan tâm việc học, bà luôn là hậu phương vững chắc để các con học hành thành đạt. Dù chưa một lần đặt chân đến Huế - TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội nhưng bà Thân đã nuôi các con của mình học tập, trải nghiệm và trưởng thành từ các trường đại học khắp mọi miền Bắc - Trung - Nam.

Tấm gương về sự chắt chiu, cần cù, nhẫn nại, vượt khó, quyết đoán và tinh thần yêu lao động với truyền thống coi trọng việc học của gia đình, dòng họ giúp cho các con bà Thân ý thức phải vượt qua cảnh nghèo bằng việc học tập - rèn luyện của chính mình.

 Các con, cháu trong gia đình bà Thân. (Ảnh gia đình bà Thân cung cấp).
Các con, cháu trong gia đình bà Thân. (Ảnh gia đình bà Thân cung cấp).

Đã 4 năm kể từ ngày được Nhà nước trợ cấp hằng tháng cho người cao tuổi, bà Thân đã dành trọn số tiền 360.000 đồng lãnh được hằng tháng đóng góp vào Quỹ Khuyến học của gia đình.

Các cháu của bà Thân đều được bà “thưởng nóng” 5 triệu đồng/cháu khi báo tin trúng tuyển vào đại học. Số tiền ấy không lớn nhưng là tấm lòng, tình cảm, là sự động viên khích lệ của bà Thân đối với việc học của con cháu.

Phát huy truyền thống cần cù, hiếu học, coi trọng việc học của gia đình và dòng họ, 9 người con và 15 người cháu trong đại gia đình bà Thân đã học tập, trưởng thành nhờ vào sự noi gương người đi trước. Tấm gương học tập thành đạt của người con cả trong 9 người con của bà Thân đã làm cho các em, cháu nể phục, lấy đó làm gương để phấn đấu.

Anh chị trong gia đình hiếu thảo, chăm học, chăm làm trở thành gương tốt để các em phấn đấu làm theo. Anh chị đi trước học - hỏi - hiểu - hành tốt rồi chỉ dạy cho các em, các cháu ở phía sau. Người học trước tốt nghiệp đại học ra trường có việc làm thì chi tiêu tiết kiệm để giúp gia đình lo cho các em, cháu mình ăn học thành tài.

Cứ thế, mà 9 người con và 15 người cháu của bà Thân tự nguyện, tự giác và tích cực để hoàn thành chương trình học tập ở các trường, luôn tự hào và nhắc nhở nhau phải học tốt, sống tốt theo di nguyện của cha, ông và niềm mong đợi của bà Thân; phải phụng dưỡng cha mẹ, ông, bà và phải là công dân tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập.

Hơn 50 năm qua, gia đình và dòng họ Nguyễn tại ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, trong đó có gia đình bà Thân - “Gia đình hiếu học cấp tỉnh” luôn giữ gìn, kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống của họ tộc để giáo dục, chăm lo việc học tập - rèn luyện của bản thân và con cháu. Và sẽ tiếp tục giữ gìn, kế thừa và phát huy những nét đẹp truyền thống của họ tộc để sống vui, sống tốt và làm những việc có ích cho cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

THANH TUẤN

.
.
.