Thứ Tư, 06/09/2023, 14:13 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Nỗ lực thực hiện tiêu chí Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng nông thôn mới

Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Chính vì thế, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT, thực hiện thành công công tác xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

THAM MƯU NHIỀU GIẢI PHÁP

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực GD-ĐT gồm: Tiêu chí số 5 là Trường học và tiêu chí số 14 là GD-ĐT. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, ngành GD-ĐT đã có nhiều giải pháp, tham mưu thực hiện tốt các tiêu chí trên lĩnh vực GD-ĐT trong xây dựng NTM.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT, hiện huyện Cai Lậy có 48 trường công lập, trong đó có 16 trường mầm non; 16 trường tiểu học và 16 trường THCS được phân bố đều ở các đơn vị xã và thị trấn, đặc biệt trường THCS Mỹ Thành Nam có 2 điểm trường. Ngoài ra, huyện còn có 1 trường mầm non tư thục và 10 nhóm trẻ.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho biết, ở từng yêu cầu trong xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, huyện NTM đều có yêu cầu cụ thể cho tiêu chí Giáo dục. Có thể nói, với các chỉ tiêu rất cụ thể, đòi hỏi ngành GD-ĐT phải có giải pháp tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Cai Lậy tập trung huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó chú trọng vào các giải pháp sau:

Trường THCS Thạnh Lộc đầu tư khang trang được đưa vào sử dụng từ năm học 2023 - 2024.
Trường THCS Thạnh Lộc đầu tư khang trang được đưa vào sử dụng từ năm học 2023 - 2024.

Xác định tuyên truyền là một trong những giải pháp trọng tâm, quan trọng, Phòng GD-ĐT tổ chức triển khai, tuyên truyền cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục huyện về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Đồng thời, chỉ đạo hiệu trưởng các trường rà soát lại hiện trạng và thực hiện báo cáo hiện trạng, đánh giá các tiêu chí đạt được và chưa đạt theo Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT tham mưu với lãnh đạo UBND huyện tổ chức cuộc họp với Ban Điều phối của huyện để thống nhất chọn ưu tiên đầu tư trường học cho xã nào để có các tiêu chí chuyên ngành khác cũng có khả năng đạt cao. Hằng năm, từ vốn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục là 10 tỷ/năm), ngành Giáo dục huyện tham mưu với UBND huyện ưu tiên đầu tư các trường theo lộ trình để đạt được theo tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, số kinh phí còn lại thì thực hiện cho các công trình trường cấp thiết. Ngoài ra, mỗi năm có gói thiết bị do ngành làm chủ đầu tư là 3,5 tỷ ngành sẽ ưu tiên mua sắm tập trung các thiết bị phục vụ dạy học cho các trường theo lộ trình NTM nâng cao và các trường cấp thiết khác.

Đồng thời, Phòng GD-ĐT sẽ tổng hợp và lên danh sách dự kiến quỹ đất cần mua của từng trường, từng xã để tham mưu UBND huyện mua đất cho các trường để có quỹ đất xây dựng theo lộ trình xã NTM, thậm chí vẫn mua quỹ đất dự trữ cho các trường chưa có lộ trình để sau này nếu có điều kiện thì có quỹ đất để xây dựng. Trong quy hoạch các điểm trường, ngành Giáo dục chú ý thực hiện theo quan điểm của UBND tỉnh là gom điểm, mỗi bậc học của xã chỉ xây dựng tập trung 1 trường duy nhất và xóa dần các điểm phụ để tạo sự công bằng trong giáo dục.

NHỮNG KẾT QUẢ KHÍCH LỆ

Có thể thấy, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cai Lậy đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ngành Giáo dục huyện đã tham mưu UBND huyện mua đất mở rộng, mua mới hay sử dụng quỹ đất công của huyện để có quỹ đất xây dựng cho 10 trường học. Bên cạnh đó, ngành cũng đã tham mưu UBND huyện để tham mưu UBND tỉnh đã đầu tư 8 công trình xây dựng trường học. Đồng thời, tích cực tham mưu UBND huyện để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công 7 công trình xây dựng trường học năm 2023 - 2024 gồm các trường mầm non: Cẩm Sơn, Phú An (giai đoạn 2), Mỹ Long; các trường tiểu học: Long Trung, Mỹ Thành Nam, Hiệp Đức; THCS Phú Nhuận.

Về mức độ đạt Tiêu chí số 5 là Trường học, toàn huyện đã đạt 15/15 xã; mức độ đạt Tiêu chí số 14 là Giáo dục đã đạt 15/15 xã. Số trường học đạt chuẩn đến cuối năm 2022 có 30/48 (62,5%), trong đó mầm non: 9/16 trường (56,25%); tiểu học: 14/16 trường (87,5%); THCS: 7/16 trường (43,75%). Có 2 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất  mức 2 là Tiểu học Phú Nhuận và THCS Ngũ Hiệp.

Hiện tại, ngành Giáo dục huyện Cai Lậy đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2023 có 33/48 (68,75%) trường đạt chuẩn, trong đó mầm non: 10/16 trường (62,25%); tiểu học: 14/16 trường (87,5%); THCS: 9/16 trường (50%). Đồng thời phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ xây dựng thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia gồm 3 trường mầm non: Phú An, Cẩm Sơn, Mỹ Long; 3 trường THCS: Thạnh Lộc, Ngũ Hiệp, Phú Nhuận và 1 trường tiểu học Mỹ Thành Nam) và tái công nhận Tiểu học Phú Cường, góp phần nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2025 là 40/48 đạt 83,3%. Cùng với đó, ngành sẽ tham mưu UBND huyện để tham mưu UBND tỉnh trình HDND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công 7 công trình xây dựng trường học năm 2023 và 2024.

Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng, qua một số khó khăn từ thực tế, địa phương kiến nghị, UBND tỉnh khi thông qua các dự án các trường được đầu tư xây dựng, trường nào đủ số lớp theo Thông tư 13 năm 2020 của Bộ GD-ĐT thì thực hiện dự án xây dựng 1 điểm trường tập trung, dần xóa hết các điểm phụ. Tuy nhiên, đối với trường có số lớp vượt quy định theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT, nhất là bậc tiểu học, thì khi thông qua dự án các trường phải giữ lại ít nhất một điểm phụ để có thể đáp ứng nhu cầu dạy và học hiện nay; đồng thời, Phòng GD-ĐT không phải làm cam kết điều tiết học sinh, cam kết không tổ chức học bán trú hay học 2 buổi/ ngày như một số dự án xây dựng trường của huyện Cai Lậy còn vướng hiện nay.

ĐỖ PHI

.
.
.