Thứ Bảy, 16/09/2023, 07:45 (GMT+7)
.

Khởi sắc giáo dục trên vùng đất khó

Huyện Tân Phước - vùng đất từng được mệnh danh “rốn phèn, rốn lũ” của tỉnh Tiền Giang. qua gần 30 năm, diện mạo Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) của huyện đổi thay từng ngày, với nhiều khởi sắc. Theo đó, quy mô trường lớp được mở rộng, kiên cố hóa, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp ngày càng tăng.

NHIỀU KHỞI SẮC

Thời gian qua, sự nghiệp GD-ĐT huyện Tân Phước đã có nhiều khởi sắc. (Ảnh chụp Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước).
Thời gian qua, sự nghiệp GD-ĐT huyện Tân Phước đã có nhiều khởi sắc. (Ảnh chụp Trường Mầm non Phú Mỹ, huyện Tân Phước).

Những ngày đầu mới thành lập, huyện Tân Phước được xem là “vùng trũng” của ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang do điều kiện khó khăn, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, giáo viên rời bỏ bục giảng... Năm 1994, khi mới thành lập, huyện Tân Phước chỉ có 16 trường học gồm 2 trường mẫu giáo, 10 trường tiểu học, 1 trường THCS, 2 trường phổ thông cơ sở và 1 trường THPT, với hơn 7.000 học sinh các cấp.

Với sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành GD-ĐT huyện đã từng bước đề ra các giải pháp nâng chất đưa sự nghiệp GD-ĐT của huyện ngày càng có nhiều khởi sắc. Đến đầu năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 27 cơ sở giáo dục do ngành GD-ĐT huyện quản lý, trong đó có 9 trường mầm non, 12 trường tiểu học và 6 trường THCS. Toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, bậc mầm non đạt chuẩn là 6/9 trường (đạt 66,66%); tiểu học: 11/11 trường (đạt 100%); THCS: 5/6 trường (đạt 83.33%).

Bên cạnh quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, huyện Tân Phước còn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo đó, ngành GD-ĐT huyện đã phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Toàn ngành GD-ĐT huyện có 646 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 529 giáo viên và 62 nhân viên.

Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phước Nguyễn Tấn Phúc cho biết: “Để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, toàn huyện đã xây mới 24 phòng học và có kế hoạch sửa chữa hơn 20 phòng học. Toàn huyện có 420 phòng học ở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 100% phòng học kiên cố và bán kiên cố. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tiến hành tuyển dụng, bổ sung nguồn giáo viên cho năm học mới 2023 - 2024”.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Nâng cao chất lượng GD-ĐT được xem là yếu tố then chốt được ngành GD-ĐT huyện Tân Phước tập trung đồng bộ các giải pháp để thực hiện. Ở bậc học mầm non sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo hướng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình. Trong đó, bậc học mầm non sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021 - 2025”.

Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non tiếp tục tăng cường các biện pháp tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường; đảm bảo an toàn cho trẻ, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, hạn chế tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì. Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục của các trường mầm non; thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với trẻ.

Ở bậc tiểu học sẽ tổ chức thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 và thực hiện Chương trình GDPT năm 2006 đối với lớp 5. Tổ chức triển khai thực hiện phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống phù hợp với điều kiện thực tế tại tất cả cơ sở giáo dục của địa phương.

Ở bậc THCS tăng cường thực hiện xây dựng kế hoạch bài học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học tập để thực hiện cả trên lớp và ngoài lớp học.

Tổ chức cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, báo cáo kết quả học tập của mình và giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm điểm kiểm tra, thi và nhận xét, đánh giá học sinh; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành GD-ĐT huyện Tân Phước hiện cũng đang đối diện với một số khó khăn nhất định. Theo đó, cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư xây dựng, sửa chữa trong thời gian qua nhưng vẫn còn một số trường có nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây dựng mới kịp thời; một số trường thiếu phòng hành chính, phòng chức năng, trang thiết bị; một số cơ sở giáo dục còn thiếu giáo viên để giảng dạy, nhất là bậc mầm non…

Đồng chí Nguyễn Tấn Phúc cho biết, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT huyện Tân Phước sẽ tiếp tục phát triển quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đẩy mạnh phong trào thi đua, thực hiện những giải pháp lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

Để làm tốt vấn đề này, Phòng GD-ĐT đã huy động nguồn lực hoàn thành cơ sở vật chất ở các trường, tích cực chỉ đạo nâng chất quản lý của Ban Giám hiệu, công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó chú ý đến việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo.

ĐỖ PHI

.
.
.