Thứ Hai, 04/09/2023, 09:01 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Trường lớp đã sẵn sàng cho năm học mới

Để chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), kiên cố hóa trường lớp.

TẬP TRUNG ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT

Những ngày đầu năm học mới 2023 - 2024, khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đâu đâu cũng thấy không khí tất bật chuẩn bị cho năm học mới. Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều ngôi trường đã được xây mới với CSVC khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập.

 Trường THCS Gia Thuận, huyện Gò Công Đông được đầu tư xây mới đưa vào sử dụng từ năm học 2023 - 2024.
Trường THCS Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) được đầu tư xây mới đưa vào sử dụng từ năm học 2023 - 2024.

Tại huyện Châu Thành, một trong những địa phương có số lượng trường học nhiều nhất tỉnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết: “Với 57 cơ sở giáo dục ở 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và THCS, trong năm học mới này, được sự chấp thuận của UBND huyện Châu Thành, ngành GD-ĐT đã khảo sát CSVC, tiến hành sửa chữa CSVC tại 5 trường gồm: THCS Tân Hương, Tiểu học Tam Hiệp, Tiểu học - THCS Long An, Mầm non Hữu Đạo và Mầm non Thân Cửu Nghĩa với kinh phí khoảng 3,1 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp GD-ĐT. Trong kế hoạch, năm 2023, toàn huyện Châu Thành có 12 công trình do Phòng GD-ĐT làm chủ đầu tư với kinh phí trên 8,7 tỷ đồng, tập trung vào các hạng mục: Sơn sửa trường lớp, sân trường, nhà vệ sinh, nâng nền, làm hàng rào...”.

Huyện Gò Công Đông đã sẵn sàng cho năm học mới. Theo đó, bằng nguồn ngân sách, huyện Gò Công Đông đã đầu tư sửa chữa, xây mới nhiều phòng học, nhà vệ sinh, thực hiện đầu tư, mua sắm bàn ghế, máy vi tính... Trường THCS Gia Thuận, huyện Gò Công Đông được đầu tư xây mới, đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024 với 17 phòng học với đầy đủ các phòng chức năng, tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Hiệu trưởng nhà trường Bùi Huỳnh Thơ cho biết: “Trường được đưa vào sử dụng đúng năm học mới, đây là niềm vui của tập thể sư phạm nhà trường. Với CSVC khang trang, sạch đẹp, giúp nhà trường thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 thuận lợi hơn”.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.750 phòng học; trong đó có 7.874 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số phòng học). Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT đã sửa chữa 16 trường trực thuộc Sở với tổng kinh phí khoảng 7,6 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán xây mới và sữa chữa một số hạng mục gồm các trường THPT: Huỳnh Văn Sâm, Bình Đông, Lưu Tấn Phát, Tứ Kiệt với tổng kinh phí 45 tỷ đồng trong năm 2023.

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, ngành đã mua sắm trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2, lớp 6; qua đó, đã trang bị 857 tủ đựng thiết bị, 192 tivi, 857 máy tính xách tay, 857 máy chiếu, 179 phòng máy vi tính cấp tiểu học, 128 thiết bị phòng học ngoại ngữ cấp THCS.

NÂNG TỶ LỆ  TRƯỜNG CHUẨN  QUỐC GIA

Bên cạnh những thuận lợi, tình hình CSVC trường lớp vẫn còn gặp không ít khó khăn, một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp, chưa được xây mới. Nhiều điểm trường do thiếu phòng học nên không thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường còn thiếu diện tích đất, thiếu phòng chức năng, phòng hành chính quản trị; trang thiết bị bàn ghế cũ, hư hỏng...

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, CSVC là một trong những yếu tố quan trọng trong sự nghiệp GD-ĐT. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trường học ở các cấp được xây mới, khang trang, sạch đẹp. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư CSVC, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng.

Để giải quyết khó khăn về CSVC, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đơn vị doanh nghiệp ủng hộ đóng góp xây dựng CSVC, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Tiến hành rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo CSVC, thiết bị dạy và học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…

Theo Sở GD-ĐT, trong giai đoạn 10 năm, từ 2013 đến 2023, tổng vốn đã huy động để đầu tư xây dựng CSVC các cơ sở GD-ĐT, dạy nghề giai đoạn là trên 6.500 tỷ đồng. Thông qua Chương trình hợp tác giữa tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh, đã vận đồng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ xây dựng CSVC trường học tại vùng khó khăn trong tỉnh với tổng kinh phí tài trợ trong gần 10 năm qua là trên là 5 tỷ đồng.

Hệ thống CSVC từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, tỷ lệ phòng học bán kiên cố đạt tỷ lệ cao, đảm bảo nhu cầu dạy và học. Toàn tỉnh Tiền Giang có 346/510 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 67,84%, trong đó mầm non: 116 trường, tiểu học: 135 trường, THCS: 73 trường, THPT: 22 trường.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cai Lậy Huỳnh Văn Chẳng cho biết: Ngành GD-ĐT huyện đang tích cực tham mưu UBND huyện để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công 7 công trình xây dựng trường học năm 2023 và 2024 gồm các trường mầm non: Cẩm Sơn; Phú An (giai đoạn 2) và Mỹ Long; các trường tiểu học: Long Trung, Mỹ Thành Nam, Hiệp Đức; THCS Phú Nhuận. Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2023 có 33/48 (68,75%) trường đạt chuẩn cụ thể: Mầm non: 10/16 trường (62,25%); Tiểu học: 14/16 trường (87,5%); THCS: 9/16 trường (50%).

ĐỖ PHI

.
.
.