Thứ Hai, 02/10/2023, 16:10 (GMT+7)
.

Tạo điều kiện học tập tốt nhất cho trẻ em

Học tập là quyền lợi chính đáng của trẻ em. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Tiền Giang đã cùng chung tay chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, bảo đảm quyền của trẻ em, dành những điều kiện tốt nhất để trẻ em được học tập và phát triển.
 
Trong đầu năm học 2023 - 2024, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Tiền Giang đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho tất cả trẻ em, học sinh được cắp sách đến trường.

CHĂM LO NGÀY ĐẦU NĂM HỌC

Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) tổ chức vui Tết Trung thu cho học sinh.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, năm học 2023 - 2024, toàn ngành GD-ĐT tỉnh có trên 310 ngàn trẻ mầm non, học sinh ở 4 bậc học; trong đó, bậc mầm non trên 54 ngàn trẻ; trên 130 ngàn học sinh tiểu học; trên 81 ngàn học sinh bậc THCS và bậc THPT là trên 46 ngàn học sinh.

Ngay trong đầu năm học, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn ngành GD-ĐT đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ mầm non, học sinh được đến trường với phương châm không để học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, ngày 5-9 vừa qua, 510 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khai giảng năm học mới đảm bảo thiết thực, an toàn và tiết kiệm; phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường.

Các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể và Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội Khuyến học, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quan tâm đến dự khai giảng tại các trường học, phát quà cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học, với tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng.

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT đã đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học, đặc biệt là đối với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong năm 2023, tổng ngân sách đầu tư cho GD-ĐT là 4.006,5 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển là 514,5 tỷ đồng, chi thường xuyên là 3.492 tỷ đồng.

Ngay sau lễ khai giảng, trẻ mầm non, học sinh ở các cấp học đã chính thức bước vào năm học mới với niềm hân hoan, vui tươi. Tất cả học sinh được chăm lo giáo dục ở tất cả các bậc học. Hiện nay, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ đi học tiểu học đúng tuổi đạt 100%; tỷ lệ trẻ đi học THCS đúng tuổi đạt 99%; tỷ lệ trẻ hoàn thành cấp tiểu học đạt 100%. 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng. Học sinh có tài năng, học sinh nghèo vượt khó học giỏi… được Quỹ Khuyến học, khuyến tài các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh các giải pháp cấp phát học bổng, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngành GD-ĐT đã thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho đối tượng là con em gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó giúp cho hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn thoát khỏi nguy cơ bỏ học.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương (TP. Mỹ Tho) Tô Thị Bảy cho biết, đầu năm học mới, nhà trường đã có nhiều hỗ trợ, chăm lo cho học sinh, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em có thể tiếp cận giáo dục; trong đó quan tâm, chăm lo học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong tuần vừa qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các mạnh thường quân, nhà trường đã tổ chức “Vui hội Trăng Rằm”, phát 284 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con cán bộ, giáo viên của trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em khi vui Tết Trung thu.

TIẾP TỤC QUAN TÂM, ĐẦU TƯ

Có thể thấy, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, học sinh ở tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được chăm lo phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức, tinh thần.

Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau, công tác chăm lo cho học sinh ở một vài địa phương cũng còn gặp không ít khó khăn như vẫn còn phòng học bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy và học; một số nơi vẫn xảy ra tình trạng trẻ bỏ học giữa chừng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Trẻ em như búp trên cành; biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Câu nói của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có thể thấy, với trẻ em việc học là đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, với vai trò, trọng trách của mình, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp chăm lo, phát triển giáo dục với mục tiêu tất cả vì học sinh.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, với nhiệm vụ là những người đưa trẻ em đến bến bờ tri thức và giữ vai trò đầu tàu trong GD-ĐT, trách nhiệm ngành GD-ĐT là rất nặng nề. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải nâng cao chất lượng GD-ĐT, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Trong đó, chú trọng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mới. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đồng thời, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp.

Tiến sĩ Lê Quang Trí cho biết thêm, để tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục, trong thời gian tới, bên cạnh tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp khang trang sạch đẹp tạo điều kiện cho tất cả trẻ em đều có cơ hội học tập, thì ngành GD-ĐT sẽ rà soát, chuẩn hóa và bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên còn thiếu.

Cùng với đó, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ, chăm lo đối với các trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn với quyết tâm không để bất cứ em nào phải bỏ học giữa chừng sẽ ảnh hưởng tương lai các em.

ĐỖ PHI

.
.
.