Thứ Sáu, 03/11/2023, 09:48 (GMT+7)
.

Chương trình giáo dục STEM: Khơi nguồn sáng tạo cho học sinh

Những năm gần đây, cùng với quá trình đổi mới về giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã khuyến khích đưa chương trình STEM vào các cơ sở giáo dục. Hoạt động này không chỉ góp phần mang lại sân chơi bổ ích, khơi dậy sức sáng tạo cho học sinh, mà còn là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

STEM LÀ  GÌ?

Một tiết học giáo dục STEM tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho.
Một tiết học giáo dục STEM tại Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho.

STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Bộ GD-ĐT định nghĩa: “Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh”.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, giáo dục STEM là một trong những phương pháp giáo dục được các trường đặc biệt quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Theo thống kê cho thấy, trong 2 năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, trên địa bàn cả nước đã có trên 100 ngàn lượt bài dạy STEM đã và đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Tại tỉnh Tiền Giang, ở các cấp học, giáo dục STEM đã được các địa phương chủ động thực hiện từ nhiều năm nay. Ở bậc trung học, giáo dục STEM được tổ chức dưới hình thức giảng dạy các môn khoa học, các hoạt động trải nghiệm STEM hoặc tổ chức các câu lạc bộ, gắn hoạt động STEM vào các cuộc thi. Ở bậc tiểu học, giáo dục STEM được lồng ghép vào các bài học của từng khối lớp. Còn ở cấp mầm non, một số trường đã bắt đầu đưa bài học STEM vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, "Thời gian qua, hoạt động giáo dục STEM đã có nhiều khởi sắc, góp phần thực hiện đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Muốn nâng cao năng lực giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí và giáo viên về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nâng cao nâng lực cho cán bộ quản lí và giáo viên về việc tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện dạy học theo phương thức giáo dục STEM.

Có mặt tại giờ học giáo dục STEM ở lớp 4, Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, chúng tôi nhận thấy các em học sinh vô cùng hào hứng khi được tiếp cận với một phương thức giáo dục STEM. Ở tiết học về chủ đề các loại âm thanh, học sinh được giáo viên hướng dẫn thực hành làm ra các nhạc cụ phát ra âm thanh từ những vật liệu quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

Em Nguyễn Phương Nghi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho cho biết: “Dưới sự hướng dẫn của cô, chúng em tìm những vật dụng thân quen như: chai nhựa, dây mũ, nắp xoang… để sáng tạo ra các vật dụng phát ra âm thanh như: đàn, trống, kèn… Cuối buổi học, em được cô giáo cho trình diễn văn nghệ từ những dụng cụ chúng em làm ra. Em cùng các bạn rất vui và thích tiết học”.

Cô Tô Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương cho biết: Để triển khai chương trình giáo dục STEM hiệu quả, trong mỗi năm học, nhà trường đều tạo điều kiện để giáo viên tham gia các buổi tập huấn chuyên môn do ngành GD-ĐT tổ chức. Có thể nói rằng, giáo dục STEM mang lại hiệu quả khá cao đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường. Học sinh phát triển tư duy phản biện, kỹ năng thực hành, tạo động lực để các em tìm tòi, nghiên cứu khoa học.

Theo đánh giá của thầy Võ Hoài Nhân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, việc dạy học theo hướng phát huy năng lực học sinh, đặc biệt là giáo dục STEM trong thời gian qua được nhà trường đặc biệt chú trọng. Ở mỗi môn học, bên cạnh những kiến thức lý thuyết, nhà trường luôn hướng các em đến với các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, áp dụng kiến thức vào thực tiễn đời sống. Những năm qua, nhờ đổi mới tích cực trong phương pháp dạy học, nhà trường đã đạt rất nhiều giải thưởng khi tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố, cấp tỉnh.

ĐỂ GIÁO DỤC STEM HẤP DẪN HỌC SINH 

Theo hiệu trưởng các trường mầm non và phổ thông, chương trình giáo dục STEM được đánh gíá là một trong những phương pháp giáo dục mang tính tích cực cao với nhiều ưu thế nổi bật như: Trang bị cho học sinh kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, khả năng sáng tạo, tư duy logic, năng lực và hiệu quả học tập.

Học sinh hào hứng với tiết học giáo dục STEM.

Các bài học của giáo dục STEM hướng học sinh đến các hoạt động trải nghiệm, thực hành, khơi gợi được tính hứng thú, tò mò, mang đến tiết học hiệu quả cao. Với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học theo phương pháp STEM còn giúp học sinh định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai trong những năm qua, phương pháp giáo dục STEM vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Một trong những khó khăn đầu tiên phải kể đến là trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu khi giáo dục STEM, nhiều giáo viên tốt nghiệp sư phạm chưa được tiếp cận về giáo dục STEM, một số giáo viên lớn tuổi hạn chế, ít quan tâm đến các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật. Vấn đề khó khăn là điều kiện cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra khi triển khai giáo dục STEM như: Thiếu phòng học, phòng thí nghiệm, phòng chức năng…

Một vấn đề mang tính chất thực tế nữa cũng được nhiều giáo viên phản ánh là với bài học STEM được thiết kế dựa theo quy trình thiết kế kỹ thuật với tiến trình bao gồm 8 bước: Xác định vấn đề; nghiên cứu kiến thức nền; đề xuất các giải pháp; lựa chọn giải pháp; chế tạo mô hình (nguyên mẫu); thử nghiệm và đánh giá; chia sẻ thảo luận; điều chỉnh thiết kế, chính vì vậy để có một tiết học STEM thật sự hiệu quả thì đòi hỏi người giáo viên phải chuẩn bị rất vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức…

Để thúc đẩy giáo dục STEM, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, có những giải pháp và nhiệm vụ thực hiện giáo dục STEM. 

Để nâng cao trình độ cho giáo viên, đầu năm học 2023 - 2024 vừa qua, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tổ chức 6 lớp tập huấn giảng dạy STEM và tập huấn hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho 800 giáo viên của 123 trường THCS trên địa bàn tỉnh tham gia ở các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

ĐỖ PHI

.
.
.