Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục và Đào tạo
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, dù ở bất cứ thời đại nào thì vai trò của người thầy luôn được đề cao, coi trọng. Để hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người thầy, nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang.
* Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã có những giải pháp nào xây dựng đội ngũ nhà giáo?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu chuẩn hóa trình độ đào tạo.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, thời gian qua, ngành GD-ĐT đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo; gắn chặt hoạt động tuyên truyền, giáo dục với các phong trào, cuộc vận động trong ngành Giáo dục như: “Dạy tốt, học tốt”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thời kỳ mới.
Toàn ngành hiện có 18.535 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 1.130 cán bộ quản lý, 15.282 giáo viên và 2.123 nhân viên; có 6 tiến sĩ, 449 thạc sĩ, 9.565 đạt trình độ đại học. Trong giai đoạn mới hiện nay, ngành GD-ĐT luôn tạo môi trường công tác tốt để đội ngũ nhà giáo phát huy năng lực, trình độ của mình.
Trong đầu năm học 2023 - 2024 vừa qua, Sở GD-ĐT ban hành các kế hoạch để bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng với 744 giáo viên Khoa học tự nhiên, 356 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý và 189 học viên dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học.
Để có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức đặt hàng, đào tạo sinh viên ngành Sư phạm theo Nghị định 116 của Chính phủ. Trong mỗi năm học, Sở GD-ĐT, các địa phương đã tổ chức tuyển dụng giáo viên để bổ sung đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu đối với các cơ sở giáo dục...
* PV: Đâu là những kết quả giáo dục nổi bật của tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, thưa Tiến sĩ?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tiền Giang, toàn ngành GD-ĐT đã có những bước phát triển vượt bậc. Chất lượng giáo dục các cấp học đã chuyển biến rõ nét, với bậc học mầm non đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng, ăn bán trú chiếm tỷ lệ 85%, tăng 3% so với năm học trước; 100% trẻ được theo dõi sức khỏe định kỳ; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục tạo nhiều lan tỏa tích cực…
Ở bậc tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với các khối lớp. Bậc trung học phổ thông tiếp tục có nhiều đổi mới căn bản trong dạy và học.
Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được nhà trường, giáo viên quan tâm chú ý, đặc biệt đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện tốt.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ra Quyết định tặng Bằng khen cho 200 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu năm học 2022 - 2023. Đây là những cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong quản lý, giảng dạy năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục trong cả nước. Tỉnh Tiền Giang có 4 nhà giáo được nhận Bằng khen gồm: Phạm Thị Bạch Huệ (giáo viên Trường Mẫu giáo Bình Đông, TX. Gò Công); Vũ Thanh Tâm (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo); Võ Thị Phượng Linh (Trường THCS Đông Hòa, huyện Châu Thành); Nguyễn Ngọc Thắng (Phó Trưởng khoa, Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Tiền Giang). |
Về công tác thi cử, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2023, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, không để xảy ra các sai sót, đảm bảo khách quan và đúng quy chế. Theo đánh giá, điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Tiền Giang khá cao. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13 toàn quốc và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 99,68%, trong đó có 28 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%.
Năm 2023, kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh xếp 4/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với 18 giải, chỉ sau TP. Cần Thơ (25 giải), tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang (mỗi tỉnh 19 giải).
* PV: Để ngành Giáo dục Tiền Giang tiếp tục khẳng định được vị thế, trong thời gian tới ngành GD-ĐT đã có những giải pháp nào?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Có được những thành tựu nêu trên là do sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh nhà. Phát huy những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, toàn ngành GD-ĐT tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo ở các cấp học. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ nhà giáo để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng về mọi mặt cho học sinh, sinh viên noi theo.
Triển khai thực hiện Đề án 1374 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 (giai đoạn 2021 - 2025), định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Tiến sĩ Lê Quang Trí thăm hỏi, động viên cán bộ, nhà giáo trong bối cảnh toàn ngành GD-ĐT triển khai Chương trình GDPT năm 2018. |
Thứ hai, nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Dạy chữ đi đôi với dạy người”, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm sáng tạo; triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý, quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình gặp biến cố hoặc những em có biểu hiện ham chơi, lười học; phối hợp với phụ huynh giúp các em ổn định tinh thần, vượt khó học tốt.
Thứ ba, ngành sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới việc dạy và học, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 (cấp tiểu học); lớp 6, lớp 7, lớp 8 (cấp THCS); lớp 10 và lớp 11 (cấp THPT). Tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình GDPT năm 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình GDPT 2018…
Thứ tư, thu hút các nguồn lực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT.
Cùng với đó, ngành GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học với mục tiêu phấn đấu tới năm 2025, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ đạt 70% số trường cấp mầm non, THCS, THPT và 80% số trường ở cấp tiểu học xây dựng đạt trường chuẩn quốc gia.
* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
PHI CÔNG (thực hiện)