10 năm thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng giáo dục Tiền Giang có nhiều chuyển biến
(ABO) Sáng 14-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết 29).
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đã chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng GDPT cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn…
Tại tỉnh Tiền Giang, qua 10 năm triển khai Nghị quyết 29, phát huy truyền thống hiếu học của đất học tỉnh nhà, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo trong toàn ngành, ngành Giáo dục Tiền Giang đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Chất lượng dạy và học được giữ vững và được nâng lên; đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề, chỉ đạo thực hiện nhất quán từ bậc học mầm non đến phổ thông.
Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học tiếp tục được củng cố theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo và có một bộ phận trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học.
Cùng với đó, mạng lưới các trường được xây dựng rộng khắp trên toàn tỉnh. Các trường, lớp trung tâm dạy nghề phát triển dưới nhiều hình thức, các lớp dạy nghề ngắn hạn phát triển mạnh. Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng... Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 356/509 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 69,94%. Tại thời điểm năm 2013, tỉnh Tiền Giang chỉ có 120 trường học đạt chuẩn...
ĐỖ PHI
.