Dạy và học ngoại ngữ trước những yêu cầu đổi mới
Cùng với một số môn học khác, ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố môn ngoại ngữ nói chung, trong đó có Tiếng Anh nói riêng, trở thành môn tự chọn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025. Do đó, việc tìm giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy và học Tiếng Anh đang là vấn đề căn cơ đang được các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang quan tâm thực hiện.
GIẢM ÁP LỰC THI CỬ
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, việc môn ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn từ năm 2025 đã được Bộ GD-ĐT cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, trong đó căn cứ vào kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước. Cô N.T.M., giáo viên dạy Tiếng Anh ở TP. Mỹ Tho phân tích: “Một ngoại ngữ bất kỳ, không riêng gì Tiếng Anh đều có 4 kỹ năng quan trọng là: Nghe, nói, đọc, viết. Nhìn lại các kỳ thi trong rất nhiều năm vừa qua, có thể rút ra điểm chung căn bản nhất là, bài thi ngoại ngữ chỉ được làm trên giấy nên chỉ đánh giá được kỹ năng đọc chứ không thể đánh giá toàn diện năng lực nghe, nói, đọc, viết của học sinh.
Tiết học Tiếng Anh của Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho. |
Đồng quan điểm với cô M. thầy N.T.T., giáo viên Tiếng Anh THPT ở huyện Châu Thành phân tích: Việc ngoại ngữ trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây là điều hết sức bình thường, bởi trong kỳ thi năm 2014, môn học này cũng là môn tự chọn. Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) hiện nay chưa thể giúp học sinh thật sự giỏi tiếng Anh, chủ yếu chỉ dừng ở kỹ năng làm bài thi chứ vấn đề cốt yếu là giao tiếp được đánh giá là khá yếu.
Từ đầu năm học, ở môn Tiếng Anh, bên cạnh tài liệu lý thuyết các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, hầu như mỗi em đều được giáo viên phát bộ tài liệu trắc nghiệm, mỗi bài vài chục câu, thậm chí cả trăm câu hỏi, tới kỳ thi, mỗi em phải luyện vài chục bộ đề. Theo quan sát ở nhiều lớp cho thấy, ở mỗi bộ đề, số lượng các em làm bài được không nhiều, vì hầu hết các em bị hổng kiến thức từ cấp dưới. Chính vì vậy, khi ngoại ngữ trở thành môn tự chọn sẽ giúp giáo viên được “cởi trói”, không còn dạy để thi mà tăng tỷ lệ học thực chất thay vì để đối phó với bài thi, hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Theo đánh giá của nhiều hiệu trưởng các trường THPT thì đừng quá bi quan khi ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Có một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua là, ở giai đoạn phổ thông, học sinh học tập và thi cử rất nặng nề, chủ yếu nhằm để vào các trường đại học. Vào được giảng đường đại học thì nhiều em có vẻ lơ là, không quan tâm chuyện học hành.
Chính vì vậy, việc đổi mới giáo dục hiện nay nên ngược lại, có nghĩa là học sinh có thể vào đại học nhẹ nhàng, thoải mái nhưng đầu ra đại học nên được siết lại thật chặt, đặc biệt là ở vấn đề ngoại ngữ. Nếu đi theo hướng này, vấn đề ngoại ngữ là môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tới là đều hết sức bình thường.
NHẬN DIỆN KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong nhiều năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, chủ yếu là Tiếng Anh. Qua rà soát, có 184 trường tiểu học tổ chức dạy Tiếng Anh cho học sinh, chiếm tỷ lệ trên 100%. Trong đó, có trên 33 ngàn học sinh lớp 1, 2 được học tập và làm quen với Tiếng Anh và trên 75 ngàn học sinh từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 được học Tiếng Anh 4 tiết/tuần.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, bên cạnh những thuận lợi thì chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh ở các trường phổ thông chưa đồng đều ở những vùng thành thị và nông thôn. Kỹ năng nghe, nói của giáo viên và học sinh chưa có nhiều cải thiện, học sinh ngại sử dụng Tiếng Anh trước đám đông và thiếu tự tin khi trao đổi, giao tiếp với bạn bè… Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của thí sinh tỉnh Tiền Giang vẫn thấp so với các bộ môn khác, cụ thể ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong 14.685 bài thi Tiếng Anh, chỉ có 8.476 bài thi đạt điểm trên trung bình, đạt tỷ lệ 57,7%; năm 2022 tỷ lệ này cũng chỉ 52,25%. |
Ở bậc trung học, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia ở 118 trường THCS với trên 2.000 lớp, trên 90 ngàn học sinh, triển khai Chương trình GDPT năm 2018 môn Tiếng Anh ở khối 6,7 và 8. Riêng bậc THPT, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 38 trường THPT đã triển khai hiệu quả chương trình Tiếng Anh ở các khối lớp, đang áp dụng Chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 10,11.
Thuận lợi là vậy, song hiện nay việc dạy và học Tiếng Anh trong các trường phổ thông của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập nhất định. Cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên Tiếng Anh bậc THCS ở TP. Mỹ Tho chỉ ra một trong những hạn chế, yếu kém hiện nay: Việc dạy Tiếng Anh hiện nay vẫn chưa thu hút, chú trọng phần nhiều kiến thức ngữ pháp, từ vựng mà chưa chú trọng đến kỹ năng giao tiếp. Các em học mẫu câu, học công thức các thì, nhưng chỉ biết vận dụng làm bài tập trắc nghiệm, còn vận dụng vào tình huống nào thì nhiều em vẫn còn lúng túng hoặc áp dụng một cách máy móc”.
Bên cạnh đó, mặc dù Chương trình GDPT năm 2018 đã được triển khai gần hết các cấp học, tuy nhiên cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học Tiếng Anh theo phương thức hiện đại, ở một số cơ sở giáo dục hiện nay chưa có phòng thực hành chuyên dụng; các thiết bị cho việc học Tiếng Anh chủ yếu là băng, đĩa CD, máy cassette… chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời.
Nhận diện các khó khăn, bất cập, ngành GD-ĐT đang tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Trong đó, chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, thay đổi phương pháp giảng dạy, từ đó khơi dậy tính tự học, đam mê học ngoại ngữ cho học sinh.
* TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐCSỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG:
Đổi mới kiểm tra, đánh giá phù hợp thực tiễn
Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm.
Triển khai đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra ngay trong quá trình và theo kết quả từng giai đoạn giáo dục.
* THẦY TRẦN HỒNG CẢNH, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS LÊ NGỌC HÂN, TP. MỸ THO:
Tăng cường các hoạt động giao tiếp Tiếng Anh
Một trong những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh đó là, phải thay đổi môi trường học ngoại ngữ trong các trường học, hướng học sinh đến với các kỹ năng thực hành, giao tiếp.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường các câu lạc bộ, những hoạt động thực tiễn ngoài giờ học để học sinh ứng dụng Tiếng Anh vào giao tiếp thực tế nhiều hơn.
* CÔ TRẦN THỦY TIÊN, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO:
Thay đổi phương pháp giảng dạy Tiếng Anh theo hướng tích cực
Dạy và học Tiếng Anh là quá trình đòi hỏi sự cố gắng, tích lũy kiến thức, trong đó vấn đề quan trọng vẫn là phương pháp và cách thức giảng dạy môn Tiếng Anh của giáo viên. Giáo viên phải linh hoạt, cân nhắc giảm lượng kiến thức hàn lâm trong chương trình, cân bằng lý thuyết và thực hành.
Đặc biệt các bài thi, kiểm tra, đánh giá môn Tiếng Anh phải kết hợp được các phương pháp, đánh giá toàn diện học sinh, chú trọng các kỹ năng thực hành là trọng yếu. Các tổ bộ môn Tiếng Anh ở trường học cần tăng cường thảo luận, tổ chức chuyên đề, hội thảo về chuyên môn để giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, cập nhật các kỹ thuật dạy học tích cực; đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ.
* EM TRẦN NGUYỄN TẤN PHÁT, HỌC SINH LỚP 11 TRƯỜNG THPT NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, TP. MỸ THO:
Tiếng Anh là “chìa khóa” mở cửa thế giới
Với em, ngoại ngữ trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không làm học sinh sẽ lười học, mà đó là sự mở rộng giới hạn để học sinh được thử thách sức mình, được trau dồi, khẳng định bản thân nhiều hơn, đặc biệt là ở môi trường đại học trong thời gian tới.
Bên cạnh kiến thức học ở trường, Tiếng Anh vẫn là công cụ rất cần thiết, là “chiếc chìa khóa vạn năng” để “mở cửa” thế giới cho chúng em trong tương lai.
ĐỖ PHI