Thứ Năm, 21/12/2023, 09:11 (GMT+7)
.

Tăng cường giáo dục, đạo đức lối sống cho giới trẻ

Tội phạm ngày càng trẻ hóa, bạo lực học đường (BLHĐ)… đó là những thực trạng báo động tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay nói chung và học sinh nói riêng. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhận diện đâu là nguyên nhân của thực trạng này, để từ đó tìm ra các giải pháp căn cơ trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần định hình, lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp trong giới trẻ.

NHIỀU VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước thường xuyên xảy ra những vụ BLHĐ. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, từ tháng 9-2021 cho đến tháng 11-2023, cả nước xảy ra 699 vụ BLHĐ, liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh nữ.

Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) tổ chức Chuyên đề văn hóa ứng xử học đường.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) tổ chức Chuyên đề văn hóa ứng xử học đường.

Trong rất nhiều vụ việc xảy ra vừa qua, đặc biệt mới đây là vụ việc một cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang bị nhóm học sinh dồn vào tường, rồi lăng mạ đã khiến dư luận rất phẫn nộ và lên án. Đây không phải là vụ bạo lực đầu tiên xảy ra trong trường học mà đã có rất nhiều các vụ bạo lực khác đã và đang xảy ra ở rất nhiều trường học trên cả nước.

Còn theo ngành Công an, trong rất nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra gần đây trên cả nước, đáng báo động là các đối tượng phạm tội chủ yếu ở độ tuổi thanh, thiếu niên (từ 18 đến 30 tuổi). Tất cả những thực trạng trên một lần nữa đã giống lên hồi chuông báo động về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Cô N.T.N., một giáo viên có hơn 35 năm công tác trong ngành Giáo dục cho biết, thật đáng lo ngại về vấn đề đạo đức, lối sống của giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng hiện nay. Dường như càng lên cấp học cao, tỷ lệ học sinh vi phạm đạo đức, lối sống ngày càng nhiều. Mức độ, hành vi của các em ngày càng tinh vi, quay clip, lôi kéo băng nhóm từ bên ngoài…

“Có lần tôi gọi một học sinh lên trả bài, học sinh không chỉ không thuộc bài mà còn nói với tôi là cô cứ cho em 0 điểm vào sổ, đừng bận tâm, vì càng nhiều điểm 0 thì sẽ càng dễ bị đuổi học. Chưa dừng lại ở đó, em ấy còn thẳng thắn cho biết, gia đình mướn đi học mỗi ngày bằng tiền chứ bản thân không ham học.

Hàng chục năm đi dạy, tôi đã chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng, ở cái tuổi tưởng chừng ngây thơ, hồn nhiên, vậy mà do cơ chế thị trường, tác động từ gia đình… không ít em học sinh đã biết đến cho vay, làm hụi, thậm chí chơi đề… Là giáo viên, tôi thật sự rất buồn, cùng với đồng nghiệp, tôi luôn trăn trở phải làm sao để các em biết được và đặt lợi ích của việc học tập lên hàng đầu và  hướng đến “chân, thiện, mỹ”, cô N. chia sẻ.

TĂNG CƯỜNG DẠY CHỮ KẾT HỢP DẠY NGƯỜI  

Có thể thấy, từ thực tiễn của những sự việc xảy ra, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ hiện nay nói chung và học sinh nói riêng không còn là trách nhiệm riêng của phía nhà trường, mà đó là trách nhiệm của mỗi gia đình và của toàn xã hội, trong đó nhà trường giữ vai trò quan trọng.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây diễn ra vào tháng 11-2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các diễn biến của BLHĐ khá phức tạp. Lý giải nguyên nhân của BLHĐ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ phía ngành Giáo dục và trường học.

Lãnh đạo một số cơ sở giáo dục, các giáo viên khi phát hiện những tình huống BLHĐ thì vẫn còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do dịch bệnh kéo dài, học sinh học online trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến tâm lý; vấn đề về lứa tuổi, tâm sinh lý tuổi đang trưởng thành...

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, những ảnh hưởng của mạng xã hội, phim ảnh, đặc biệt là những bộ phim bạo lực được giới trẻ quan tâm, cũng là nguyên nhân của BLHĐ hiện nay.

Nguyên nhân đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay đang xuống cấp, cũng là do sự thiếu quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện nay, các trường học vẫn chủ yếu chạy theo điểm số, thi cử, xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…

Theo Chuyên gia tâm lý Cao Thị Thùy Trang, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, gia đình hãy luôn là chỗ dựa đáng tin cậy để cho các con thấy bình yên, thoải mái sẻ chia những tâm sự, nguyện vọng của bản thân, nói lên chính kiến, nguyện vọng của mình, tránh để con trẻ chứng kiến những hành vi bạo lực, những lời nói tiêu cực từ chính trong gia đình.

Đối với nhà trường, song song với việc dạy kiến thức, các trường học cần tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng, đạo đức cho học sinh, tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích trong nhà trường, giáo dục cho học sinh sống có ý thức, trách nhiệm, có hoài bão, biết yêu thương và sẻ chia…

Còn ở môi trường xã hội, cần xây dựng, tạo ra môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, chủ động sử dụng tốt biện pháp vận động quần chúng, tăng cường tuyên truyền, vận động tại các khu dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn cần kịp thời ngăn chặn, không để gây hậu quả xấu.

Thầy Huỳnh Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Nhà trường không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, mà còn đẩy mạnh nhiều hoạt động cụ thể như tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp”, nói không với bạo lực học đường; các diễn đàn đối thoại giữa Ban Giám hiệu với học sinh để lắng nghe tâm tư tình cảm của học sinh, kịp thời gỡ rối những khó khăn, vướng mắc mà học sinh đang gặp phải. Bên cạnh đó, để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thật sự đi vào chiều sâu, lan tỏa tích cực rất cần sự kết hợp 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội”.

Theo ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên trường học được lãnh đạo ngành Giáo dục, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quan tâm, chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai và tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả.

Trong thời gian tới, các cơ sở giáo dục cần triển khai thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường; quan tâm nắm bắt tình hình tư tưởng học sinh; phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân và bạn bè để nhà trường, gia đình xử lý kịp thời.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh kết hợp tuyên dương những gương tốt trong học tập, rèn luyện; đồng thời, nghiêm khắc kiểm điểm những trường hợp học sinh hay vi phạm khuyết điểm để làm gương cho những học sinh khác…

ĐỖ PHI

.
.
.