Thứ Tư, 06/12/2023, 10:37 (GMT+7)
.

Từ năm 2025, nhiều trường dự kiến điều chỉnh tuyển sinh đại học

Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có 4 môn thi, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Trước thay đổi này, nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết sẽ có phương án để điều chỉnh công tác tuyển sinh đại học kể từ năm 2025.

Tăng chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh riêng

Theo Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TPHCM, vài năm gần đây, việc tuyển sinh của các trường đại học dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Minh chứng là hiện nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có đến 20 phương thức xét tuyển. Điều này cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ kiểm tra lại kiến thức đã học qua các năm của học sinh. Các trường đại học sẽ có một số cách khác để xét tuyển, ví dụ như các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), thi đánh giá tư duy, thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét học bạ THPT kết hợp với bài thi ĐGNL... Kết quả thi tốt nghiệp THPT, nếu có thể, sẽ được dùng để xét tuyển vào đại học các khối ngành, ví dụ như khối ngành Du lịch xét tuyển các thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn tự chọn khối xã hội; khối ngành Kinh tế sẽ xét tuyển các thí sinh thi tốt nghiệp THPT các môn học tự chọn thuộc khối tự nhiên hay xã hội; khối ngành Kỹ thuật và công nghệ sẽ xét tuyển sinh các môn thi tốt nghiệp THPT theo hướng tự nhiên...

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, về phương án tuyển sinh, các trường sẽ điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác, ngoài xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Đối với phương thức xét bằng điểm thi THPT, các trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển sao cho phù hợp với chương trình giáo dục THPT mới để tăng cơ hội cho thí sinh. Việc thay đổi số môn thi THPT từ năm 2025 sẽ giúp học sinh giảm áp lực học tập, từ đó có thời gian tập trung vào các môn mình lựa chọn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ học lệch, phải chọn môn học tương ứng với các tổ hợp xét tuyển của các ngành ở đại học ngay từ khi vào lớp 10.

Thí sinh tham khảo tuyển sinh đại học năm 2023-2024. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh tham khảo tuyển sinh đại học năm 2023-2024. Ảnh: CAO THĂNG

Hiện nay, tại nhiều trường đại học lớn như các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM..., chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn từ 40%-45%. Chỉ tiêu còn lại là xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển riêng (xét học bạ học sinh các trường THPT tốp đầu), điểm của kỳ thi ĐGNL.

Các kỳ thi tuyển sinh riêng sẽ lên ngôi

Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), với đặc thù của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh lựa chọn môn học ngay từ khi bước vào lớp 10, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT bao nhiêu môn không ảnh hưởng đến quá trình học tập. Phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn không ảnh hưởng đến các phương thức tuyển sinh riêng hiện được sử dụng ở các trường, như: xét kết quả học tập THPT, kỳ thi ĐGNL, ưu tiên xét tuyển chứng chỉ quốc tế… Tuy nhiên, các trường đại học sẽ có sự sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp hơn khi xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Sự sắp xếp này cũng căn cứ trên thực tế việc lựa chọn môn học của học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, dù có nhiều thay đổi về tổ hợp môn xét tuyển nhưng với phương án thi 4 môn của Bộ GD-ĐT, các tổ hợp truyền thống có nhiều thí sinh đăng ký vẫn được giữ lại như: Toán - Lý - Hóa, Toán - Hóa - Sinh, Toán - Lý - tiếng Anh, Văn - Sử - Địa, Toán - Văn - tiếng Anh…

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM vào tháng 7-2023. Ảnh: CAO THĂNG
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM vào tháng 7-2023. Ảnh: CAO THĂNG

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng: “Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá cách dạy và học THPT chứ không phải chỉ để xét tốt nghiệp. Do đó, những kỳ thi ĐGNL của các trường đại học sẽ càng trở nên quan trọng vì đánh giá được năng lực thật sự của thí sinh. Với sự thay đổi về cách thi, số môn thi tốt nghiệp từ năm 2025, tôi tin rằng các trường đại học, cao đẳng sẽ dựa trên kết quả của các kỳ thi ĐGNL để làm cơ sở xét tuyển cho năm 2025. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho các đơn vị tổ chức kỳ thi ĐGNL rà soát ngân hàng câu hỏi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đảm bảo số lượng câu hỏi đủ cho các kỳ thi. Kết quả kỳ thi ĐGNL hiện có gần 100 trường sử dụng để xét tuyển, cả 100.000 thí sinh dự thi nên không phải là kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia TPHCM mà là kỳ thi chung để các trường đại học tuyển sinh. Vì vậy, ĐH Quốc gia TPHCM cần truyền thông mạnh mẽ hơn để lan tỏa thông điệp này”.

Đại diện nhiều trường đại học cũng cho biết sẽ phối hợp tổ chức các kỳ thi riêng theo nhóm trường hoặc sẽ ký kết hợp tác với các đơn vị tổ chức kỳ thi ĐGNL để xét tuyển.

PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT): Các trường xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh

Về đề án tuyển sinh năm 2024, các cơ sở giáo dục hoàn thiện đề án tuyển sinh, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM): Điều chỉnh, mở rộng kỳ thi ĐGNL

Qua 6 năm tổ chức, kỳ thi ĐGNL đến nay thu hút hơn 100.000 thí sinh dự thi, kết quả không chỉ được dùng để tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo trong hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM mà còn được khoảng 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng để xét tuyển. Với sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, chắc chắn kỳ thi ĐGNL cũng sẽ có sự điều chỉnh. Trước hết, quy mô tổ chức sẽ tăng lên, số trường sử dụng kết quả để xét tuyển cũng sẽ tăng. Chúng tôi sẽ cân nhắc về tỷ trọng câu hỏi ở các môn một cách hợp lý nhằm đạt mục tiêu phải đánh giá được những năng lực cơ bản nhất của việc học đại học, như khả năng ngôn ngữ, tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề… Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo sẽ công bố chi tiết thang điểm của mỗi phần thi, từ đó tạo cơ sở cho các trường chọn tổ hợp xét tuyển cũng như quy định hệ số điểm từng môn phù hợp với nhu cầu tuyển sinh.

Th.S PHÙNG QUÁN, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM): Sẽ đưa ra phương thức phù hợp nhất

Những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của trường đại học. Trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường sẽ đưa ra phương thức phù hợp nhất để chọn người học. Cụ thể như, với ĐH Quốc gia TPHCM, trung bình 40%-50% chỉ tiêu mỗi trường đại học thành viên được dành cho phương thức xét điểm thi ĐGNL. Tỷ trọng này tăng dần qua từng năm. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Bách khoa, có 5 phương thức tuyển sinh cho hơn 5.000 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí chiếm tỷ trọng lớn nhất (60%-90% tổng chỉ tiêu). Phương thức này kết hợp nhiều tiêu chí, gồm: kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM hoặc ĐH Quốc gia Hà Nội (trọng số 75%), kỳ thi tốt nghiệp THPT (trọng số 20%), quá trình học tập THPT (trọng số 5%) và các tiêu chí khác như thành tích cá nhân, hoạt động xã hội, văn thể mỹ… Có thể thấy, trường không phụ thuộc nhiều vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh.

Theo kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi cho rằng cách tuyển sinh dựa vào tổ hợp môn phù hợp với các ngành truyền thống. Tuy nhiên, phương án sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL sẽ chiếm ưu thế, phù hợp hơn để tuyển chọn những thí sinh toàn diện. Bởi trong giai đoạn này, cần những người học vừa có kiến thức chuyên môn lẫn hiểu biết xã hội, khả năng học tiếng Anh, Tin học.

 

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.