Thứ Bảy, 23/12/2023, 17:41 (GMT+7)
.

Vụ học sinh ăn mỳ tôm chan cơm: Đừng đánh đồng tất cả

Đâu đó vẫn có GV làm chưa đúng chức trách, lương tâm nhưng nhìn rộng ra, còn rất nhiều tấm gương nhà giáo luôn tận tâm vì học trò vùng cao.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh đã đầy đủ cơm, canh rau và thịt lợn xay. Ảnh: TG
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh đã đầy đủ cơm, canh rau và thịt lợn xay. Ảnh: TG

Xin gạo cho trò nghèo

Những ngày qua, câu chuyện học sinh Trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (Lào Cai) phải ăn những suất bán trú chỉ có cơm, mỳ tôm và một chút rau khiến nhiều người không khỏi đau xót. Sự thật chỉ được phơi bày khi truyền thông báo chí vào cuộc. Các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đang xác minh, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Thực tế cho thấy, không chỉ có chuyện 11 học sinh ăn chung 2 gói mỳ tôm với cơm mà ngành Giáo dục vẫn còn đâu đó một số câu chuyện đáng buồn khác. Có nhà giáo chưa làm hết trách nhiệm; còn học trò vô lễ với thầy cô. Và giống như một thói quen, mỗi khi sự việc nào đó liên quan tới giáo dục được đưa lên mạng xã hội lập tức xuất hiện những bình luận mang tính quy chụp. Họ cho rằng ngành Giáo dục như “ngôi nhà sập” mà đâu biết rằng, còn biết bao câu chuyện nhân văn về người thầy luôn nặng lòng, tận hiến cho học trò vùng khó.

Câu chuyện của thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Manh (Nậm Nhùn, Lai Châu) từng gửi những bức thư ngỏ tới các nhà hảo tâm để xin gạo cho học trò khiến nhiều người xúc động. Gắn bó với mảnh đất Lai Châu từ nhỏ, thầy Bảo thấu hiểu hơn ai hết vất vả, thiệt thòi của trẻ vùng cao. Đến nay, Nhà nước đã nối lại chính sách hỗ trợ gạo và tiền ăn hằng tháng cho trẻ tại địa phương nên bữa cơm của các em đã đầy đủ hơn.

Thầy Bảo cho biết, năm học này trường có 490 học sinh, số trẻ ăn bán trú là 318 em. Những ngày này, dù thời tiết chuyển rét nhưng tỷ lệ chuyên cần đạt khoảng 99%. Nhà trường lên thực đơn và chế biến bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo đủ định lượng, chất lượng và nóng sốt. Việc giao nhận thực phẩm mỗi ngày được quay video rồi gửi lên nhóm Zalo của trường. Trường ưu tiên lựa chọn nguồn thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, rau củ quả, sữa và không sử dụng thức ăn đông lạnh để tránh nguy cơ ngộ độc.

“Thời gian này, dù không còn kêu gọi nữa nhưng có nhiều nhà hảo tâm tới trường tặng quà học sinh và nhà trường luôn trân trọng. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và cộng đồng xã hội, bữa cơm của trò nghèo nơi đây đã đảm bảo. Chúng tôi tiếp tục nâng cấp khu nhà vệ sinh cho học sinh. Làm được gì có lợi cho các em thì thầy cô luôn hết mình, chỉ mong học trò ngày càng chuyên cần, tiến bộ trong học tập để sau này cống hiến cho quê hương”, thầy Phạm Quốc Bảo trải lòng.

Hay như tại Hà Nội, trước bối cảnh thiếu giáo viên tiếng Anh khi triển khai Chương trình GDPT mới tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), Trường Marie Curie đã cấp học bổng đào tạo 30 sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh là người địa phương. Sau khi tốt nghiệp, huyện sẽ tiếp nhận số giáo viên này về dạy tiếng Anh tại quê hương. Đây là cách làm sáng tạo, thiết thực và hướng về học sinh vùng cao.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.

Nhìn nhận khách quan

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, chuyên gia cao cấp của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Giáo dục là ngành có lực lượng viên chức, người lao động đông nhất cả nước. Dù đã và đang gặp nhiều khó khăn, song ngành có không ít câu chuyện xúc động nói lên sự tận tâm, hy sinh của thầy cô vì học trò và sự nghiệp giáo dục.

Tháng 5-2023, dư luận cả nước không khỏi xót xa trước sự ra đi đột ngột của cô giáo mầm non tại huyện Yên Minh, Hà Giang khi cùng với chồng, con quay trở lại trường công tác sau kỳ nghỉ lễ thì gặp tai nạn. Hay nhiều thầy cô đã không tiếc tuổi thanh xuân để ngược ngàn dạy chữ cho trẻ.

Con đường đến trường của giáo viên vùng cao như Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai… dài hàng chục cây số, ngoằn ngoèo, bùn đất, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Thế nhưng, các thầy cô đã vượt lên hiểm nguy, khó nhọc để làm trọn nhiệm vụ cao quý “gieo chữ trồng người”.

“Câu chuyện ở Trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đúng sai ra sao được cơ quan chức năng điều tra, xác minh. Cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, dư luận không nên vì một sự việc mà đánh đồng cả ngành Giáo dục đều xấu. Điều đó khiến không ít nhà giáo bị tổn thương khi bản thân đã, đang nỗ lực hằng ngày. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề công bằng, khách quan để tạo động lực cho nhà giáo thêm yêu và gắn bó với nghề”, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng lý giải, ngành Giáo dục mang đặc thù bởi sản phẩm cuối cùng là đào tạo con người. Ngoài truyền dạy kiến thức, người thầy còn chỉ bảo cho học trò hướng những giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng… để hình thành nhân cách, hoàn thiện mình, tự tin bước ra xã hội. Ở đâu đó, dư luận đọc được câu chuyện về thầy cô chưa làm tròn trách nhiệm với học trò, chúng ta cần phân tích rạch ròi; ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm chứ không nên “vơ đũa cả nắm” với ngành Giáo dục.

Cô Phạm Thị Liên quê ở Nghệ An lớn lên tại Hà Giang và theo học ngành Sư phạm, đang làm giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên). Thấu hiểu khó khăn của học trò nơi đây trong việc tiếp cận môn Tiếng Anh, cô Liên đã không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, áp dụng nhiều phương pháp đổi mới trong giảng dạy. Không ít học sinh sau nhiều năm ra trường vẫn gửi thư, tin nhắn bày tỏ lời tri ân tới cô đã không quản ngại vất vả động viên, chia sẻ, dạy dỗ các em nên người. Bình dị, mộc mạc nhưng đó là món quà tinh thần vô giá với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt những người thầy gắn bó với giáo dục vùng khó.


(Theo giaoducthoidai.vn)


 

.
.
.